📞

Quảng Ngãi xúc tiến đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ

12:19 | 20/10/2017
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Phó Thủ tướng khẳng định tỉnh Quảng Ngãi có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh kết quả đạt được, Quảng Ngãi vẫn còn những tồn tại, hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Nền kinh tế tuy có tốc độ phát triển nhanh song quy mô còn nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhiều nhưng chưa ổn định, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI giảm dần, tuy ở mức khá của cả nước nhưng là thấp so với khu vực. Năm 2016, PCI của Quảng Ngãi đứng thứ 26 cả nước, thứ 7 vùng duyên hải miền Trung.

Phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ; một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, dừng hoạt động. Hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội tuy đã được đầu tư và cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp so với chỉ tiêu. Còn thiếu những sản phẩm công nghiệp chế biến, phụ trợ. Công nghiệp lọc hóa dầu chưa phát triển; một số dự án thực hiện chậm, kéo dài gây lãng phí.

Nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Quảng Ngãi hiện có hạ tầng giao thông khá đồng bộ, phục vụ tốt cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Khu kinh tế Dung Quất là một trong 15 khu kinh tế ven biển của cả nước được Chính phủ quan tâm đầu tư và có những chính sách ưu đãi cao nhất, có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT.

Hiện nay Khu kinh tế Dung Quất-Quảng Ngãi là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực và hướng tới một thành phố công nghiệp mở, trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ cảng biển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đồng hành với Khu kinh tế Dung Quất, Dự án Khu liên hợp công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP Quảng Ngãi được triển khai một cách nhanh chóng và đến nay đã có một số dự án đầu tư nước ngoài đầu tư tại đây.

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh.

Với ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và đường bờ biển dài 130 km, tỉnh Quảng Ngãi cũng có những tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực du lịch và kinh tế biển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX xác định mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trong giai đoạn 2015-2020, trong đó xác định 3 nhiệm vụ đột phá là: Phát triển công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh.

Về xúc tiến đầu tư, mục tiêu đặt ra từ nay đến 2020 là phấn đấu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ 2,5-3,5 tỷ USD (trong Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp) và 15.000 tỷ đồng tại các địa bàn khác.

“Đây là những mục tiêu cao, nhưng hoàn toàn khả thi, đòi hỏi chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có những chính sách, giải pháp đột phá trong quá trình triển khai thực hiện, cùng với đó là sự đồng thuận của người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, lọc hoá dầu

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý tỉnh Quảng Ngãi một số nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện.

“Trước hết, tỉnh cần phải chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, tạo cơ sở hoàn thiện tất cả các quy hoạch ngành (quy hoạch sử dụng đất, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị…) một cách khoa học; gắn quy hoạch với việc tái cơ cấu lại nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu các ngành, sản phẩm trên cơ sở cân đối cung-cầu của thị trường quốc tế, khu vực, trong nước cả trong ngắn hạn và dài hạn”, Phó Thủ tướng nói.

Ngay tại Hội nghị, tỉnh Quảng Ngãi trao 14 giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở quy hoạch, cần xây dựng kế hoạch, trong đó xác định rõ nguồn lực, thứ tự ưu tiên… để triển khai thực hiện. Tiếp đó, tỉnh cần xác định rõ các ngành, sản phẩm có thể mạnh để có chiến lược thu hút đầu tư phù hợp.

“Cần tiếp tục thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó chú trọng công nghiệp hỗ trợ, lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển, nhất là vận tải biển, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo, nuôi trồng đánh bắt hải sản”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Ngãi cần tiếp tục có chính sách để hỗ trợ có hiệu quả ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần và chế biến trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; làm tốt hệ thống thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu; chú trọng phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Quảng Ngãi cần tăng cường phối hợp, kết nối với các địa phương trong việc hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của vùng và từng địa phương, nhất là với thành phố Đà Nẵng. Các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ không chỉ được hưởng những lợi thế riêng có của tỉnh mà là của cả khu vực.

Cùng với đó, cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, chú trọng phát triển hệ thống đường giao thông ven biển, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp; khu kinh tế, khu du lịch…; tập trung đào tạo nhân lực và tăng cường ứng khoa học công nghệ. Có chính sách phù hợp hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp, phát triển kinh tế biển.

Một nhiệm vụ rất quan trọng cũng cần được Quảng Ngãi tập trung triển khai là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn tối đa thời gian và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư.

“Đặc biệt, tỉnh phải tạo được sự đồng thuận xã hội, tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của người dân. Nếu người dân đồng thuận thì dự án triển khai thuận lợi, thành công, và đó chính là sự hấp dẫn của môi trường đầu tư-kinh doanh”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ; tập trung đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Doanh nghiệp phải đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện tốt các chế độ đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nhà đầu tư cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trường hợp cần thiết đề xuất, kiến nghị với các bộ ngành chức năng, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.

“Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác cho phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đối với Quảng Ngãi, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển toàn diện, sớm trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước.