Nhỏ Bình thường Lớn

Quảng Ninh gỡ khó cho ngành Than

Tăng trưởng của ngành than ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của Quảng Ninh, tới thu nội địa và an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Điều kiện sản xuất ngành Than ngày càng khó khăn.

Ngày 22/6, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) để đánh giá kết quả công tác phối hợp, tình hình sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm và những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Đức Long, chủ trì buổi làm việc.

Quyết liệt vào cuộc

Cùng những vấn đề về kinh tế, Tập đoàn TKV nhận định 2015 cũng là năm có nhiều thách thức khi điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, khai thác ngày càng xuống sâu, hệ số bóc đất đá tăng, cung độ vận chuyển ngày càng cao. Một vài năm gần đây, các mỏ lộ thiên phải bóc 11m3 đất đá vận chuyển đi gần 4km mới lấy được một tấn than, khai thác hầm lò đã xuống đến mức -300m so với mực nước biển làm chi phí tăng cao, việc tuyển dụng thợ lò ngày càng khó khăn…

Trong năm 2015, kế hoạch của Tập đoàn là sản lượng than thương phẩm tăng khoảng hai triệu tấn so với năm 2014 và từ năm 2016 đến 2020, mỗi năm tăng một đến hai triệu tấn. Để thực hiện mục tiêu trên, ngoài việc tiếp tục tìm giải pháp khai thác, đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động bình quân trên 5%/năm, TKV cũng phải tích cực giải quyết tồn kho, tăng cường hiệu quả tiêu thụ… Trong khi đó, nhiệm vụ hoàn thiện, tái cơ cấu và mô hình tổ chức tiếp tục là điểm cốt lõi, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng cao.

Tại buổi làm việc với TKV, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long ghi nhận, trong sáu tháng đầu năm, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các lực lượng chức năng đã đồng loạt vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp kiên quyết, hiệu quả, đã bắt giữ và xử lý nghiêm một số vụ việc tiêu cực liên quan đến tài nguyên than. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Than đã nỗ lực vượt khó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Tỉnh.

Hiện nay, tổng lượng than tồn của cả TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trên địa bàn tỉnh còn khoảng trên 11 triệu tấn. Làm thế nào để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho thợ mỏ là nhiệm vụ quan trọng tâm mà cả ngành Than và Tỉnh đều phải chung vai gánh vác. Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành Than trong những tháng cuối năm là rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của Tỉnh, thu nội địa và an sinh xã hội trên địa bàn. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho Than chính là tháo gỡ khó khăn cho Tỉnh. Về các kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên, TKV cần sớm tập hợp gửi lại Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh có những phương án giải quyết. Đặc biệt tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, Tỉnh đã cùng TKV báo cáo Chính phủ để được phép tái xuất khẩu than cám chất lượng cao từ ngày 1/6…

Liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên than và thực hiện các dự án của Tập đoàn, Tỉnh sẽ cùng ngành Than rà soát lại các dự án. Thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TKV sẽ không thực hiện các dự án ngoài ngành nhất là các dự án hạ tầng nên Tỉnh sẽ thu hồi các dự án này theo đúng quy định.

Liên quan đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND Quảng Ninh khẳng định đây là vấn đề đảm bảo an sinh xã hội nên Tập đoàn cần chú trọng triển khai nhất là việc xây nhà ở cho các hộ gia đình công nhân mỏ. Tỉnh đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để TKV thực hiện nhiệm vụ này. Đối với các đề nghị khác của TKV, Chủ tịch UBND Tỉnh giao các sở, ngành tổng hợp và đề xuất hướng giải quyết cụ thể với từng đề xuất.

Kết quả khả quan

Trên thực tế, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2013, để đảm bảo bộ máy tinh gọn và hiệu quả, TKV đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, xây dựng lại định biên lao động, quyết liệt thực hiện tinh giản, thu gọn bộ máy, cơ cấu lại lực lượng lao động gián tiếp, đảm bảo số lao động này phải giảm hàng năm từ 2-6% cho đến khi đạt tỷ lệ phù hợp. Riêng năm 2015, cơ cấu lao động gián tiếp phải giảm từ 12% xuống 9%.

Về nhiệm vụ cổ phần hoá doanh nghiệp, đến thời điểm này, TKV đã cổ phần hoá sáu đơn vị. Hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hoá năm đơn vị. Đặc biệt, Tập đoàn cũng hoàn thành thoái vốn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với số tiền thu về trên 1.740 tỷ đồng; giải thể 14 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển thành chi nhánh trực thuộc Tập đoàn…

Song song với việc tái cơ cấu, Tập đoàn đã tập trung tối đa cho sản xuất, hướng tới các nhiệm vụ đã đề ra. Nhờ đó, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của Tập đoàn đều đảm bảo, đồng thời tạo ra sức bật năng suất, tăng công suất khai thác của các mỏ. Hầu hết các chỉ tiêu đều có mức tăng trưởng 2-10% so với thời gian trước thực hiện tái cơ cấu là năm 2013.

Theo báo cáo của Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Đặng Thanh Hải, sáu tháng đầu năm 2015, doanh thu các lĩnh vực sản xuất đạt từ 46-50% kế hoạch năm. Than tiêu thụ đạt gần 18 triệu tấn, bằng 47,3% kế hoạch năm và giảm gần 0,3% so với cùng kỳ. Than tồn kho đến cuối tháng sáu còn khoảng 10,5 triệu tấn… Doanh thu của Tập đoàn nửa đầu năm 2016 dự kiến đạt 54.788 tỷ đồng. Tiền lương bình quân người lao động đạt 8 triệu đồng/người/tháng.

Yên Ninh