Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tại khu vực đê Hà Nam (Quảng Yên). |
Chiều tối 23/6, bão số 2 đi vào khu vực các tỉnh ven biển Đông Bắc bộ thuộc địa phận các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình và gây ảnh hưởng lớn tới một số huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh.
Bão số 2 gây ra mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa đo được từ ngày 23/6 đến 1 giờ ngày 24/6 ở các địa phương phổ biến từ 30 - 40 mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Cửa Ông 70 mm, Bãi Cháy 77 mm. Chiều 23/6, gió bão cộng với triều cường khiến nước biển tràn qua đê ở các thôn 2, thôn 5 của xã Đường Hoa (huyện Hải Hà), thôn Thái Hòa, thôn Tân Phong của xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn), xã Tân Bình (huyện Đầm Hà); làm sạt lở 50 m mái đê Hà Nam (Quảng Yên). Tại huyện đảo Cô Tô, sóng biển dâng cao phá hủy 35 m đường bê tông ở đảo Trần, làm sạt lở khoảng 7 m chân cầu cảng đi xã Thanh Lân và 5 m tường kè chắn sóng vào bãi rác Voòng Xi thuộc khu 1, thị trấn Cô Tô. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các địa phương đã tổ chức lực lượng đắp đê ngăn nước và di dân vùng trũng, kịp thời khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra.
Sẵn sàng ứng phó
Ngay sau khi nhận được tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về việc áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, chiều ngày 21/6, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các huyện, thị xã, thành phố; các ngành chức năng kêu gọi, thông báo, kiểm đếm, theo dõi và hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn; nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi; tiếp tục kiểm tra đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, hệ thống đê điều, kho tàng, bến bãi, thiết bị bốc xếp hàng hóa trên các bến cảng, những nơi có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, thường xuyên báo cáo kết quả triển khai về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Cùng với việc liên tục ban hành công điện khẩn (3 công điện khẩn trong 3 ngày) chỉ đạo các đơn vị chủ động nhiều biện pháp đối phó với cơn bão số 2, ngay khi chưa có dấu hiệu của mưa bão, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã trực tiếp cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại một số điểm có nguy cơ sạt lở cao tại TP Hạ Long và việc di chuyển người, tàu, thuyền vào bờ an toàn tại huyện Vân Đồn.
Ngày 23/6, trước diễn biến bất thường của cơn bão, lãnh đạo tỉnh đã chia thành 3 mũi trực tiếp đi kiểm tra những khu vực, địa bàn xung yếu tại các địa phương Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái. Tại những nơi kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của địa phương trong công tác chỉ đạo, chủ động ứng phó với cơn bão số 2. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo địa phương, lực lượng chức năng bám địa bàn, trực, chốt thường xuyên để cùng nhân dân ứng phó kịp thời với bão. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để nắm bắt tình hình diễn biến cơn bão và kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão số 2 tại thị xã Quảng Yên. Tại buổi làm việc và kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN chỉ đạo các địa phương sẵn sàng lực lượng, vật tư, nhiên liệu, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, triển khai ngay các phương án bảo vệ dân cư ở những vùng trũng, thấp, các khu vực có nguy cơ sạt lở; thực hiện các phương án di dân tại chỗ. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng: Công an tỉnh đảm bảo an ninh trật tự, Sở Y tế sẵn sàng lực lượng túc trực cấp cứu, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh giữ liên lạc thông suốt với các địa phương và Trung ương để nắm bắt tình tình kịp thời.
Không gây thiệt hại về người
Theo thông tin sơ bộ từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, bão số 02 không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, gió bão cộng triều cường khiến nước tràn qua một số đoạn đê tại các huyện Hải Hà, Đầm Hà, sạt lở chân cầu cảng tại huyện Cô Tô.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến 14h ngày 23/6/2013, việc kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão; di chuyển người dân ở các vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; gia cố lại các đoạn đê xung yếu, đầm nuôi trồng thủy sản; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư thường trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống khi có yêu cầu… đã được thực hiện nghiêm túc.
Tại một số địa phương như Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô, do ảnh hưởng của gió bão cộng với triều cường, thủy triều dâng cao đã tràn qua hoặc gây sạt lở một số tuyến đê. Tuy nhiên lực lượng quân đội cùng nhân dân địa phương đã dùng bao cát kịp thời ứng cứu, di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Trực tiếp túc trực chỉ đạo phòng chống bão tại thị xã Quảng Yên - khu vực được dự báo có khả năng chịu ảnh hưởng nhiều từ cơn bão, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đặng Huy Hậu đã đi kiểm tra khu vực đê Nam Hòa (phường Nam Hòa) và chỉ đạo gia cố ngay lại các khu vực xung yếu của đê do có hiện tượng rò nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đặng Huy Hậu, thị xã Quảng Yên đã nhanh chóng chỉ đạo phường Nam Hòa huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, người dân cùng với phương tiện, vật tư để tiến hành gia cố đoạn đê xung yếu. Đã có gần 1.000 người cùng 2.000 bao tải cát và các vật tư khác được huy động phục vụ cho công tác gia cố đê và chỉ sau hai giờ đồng hồ, công tác gia cố các khu vực xung yếu của đê Nam Hòa đã hoàn thành, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân sinh sống khu vực xung quanh.
Diệu Linh - Thu Chung