Nhỏ Bình thường Lớn

Quảng Ninh: Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông

Phát triển giao thông Quảng Ninh, kết nối ASEAN-Trung Quốc và quốc tế là nội dung trọng tâm buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 26/8 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đồng chủ trì buổi làm việc.
Cảng Cái Lân.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính nhận định, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của tỉnh, việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông trong thời gian tới như đường cao tốc, sân bay, cảng biển, đường sắt là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh với mục tiêu đến năm 2020 là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; trung tâm du lịch quốc tế và là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước.

Hạ tầng thiếu và yếu

Ông Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cần ưu tiên phát triển đường cao tốc từ Hạ Long lên Móng Cái. Bởi vì, đây là tuyến đường kết nối ASEAN và Trung Quốc nhằm tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa vùng Đồng bằng Bắc bộ và cửa khầu. Hướng tuyến chính sẽ hướng sang Vân Đồn để phù hợp với định hướng phát triển khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và quy hoạch đường bộ ven biển. Đối với hệ thống cảng biển, vấn đề cần được quan tâm số 1 hiện nay là nạo vét cảng Cái Lân và công tác tổ chức quản lý thế nào cho hiệu quả.

Mặc dù thời gian qua, tỉnh tích cực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để kết nối các khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp...Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, còn yếu và thiếu, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông mang tính chiến lược nhằm rút ngắn thời gian lưu thông giữa Quảng Ninh với các vùng miền trong nước và kết nối quốc tế. Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh Vũ Văn Khánh cho biết cụ thể, tuyến đường bộ huyết mạch và chủ yếu tới Quảng Ninh là QL18 đến Móng Cái hiện đã mãn tải, lưu lượng trên tuyến có thời điểm lên tới 30.000 xe quy đổi/ngày đêm. Tổng vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông trong khoảng 10 năm qua ước đạt trên 11.000 tỷ đồng chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư.

Hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ cũng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh. Mặc dù nằm trong chiến lược "hai hành lang, một vành đai kinh tế" song trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, việc thực hiện chiến lược này chưa rõ nét. Các dự án giao thông quan trọng mặc dù đã khởi động nhưng đến nay chưa được triển khai, dẫn đến không có sự liên kết với “hai hành lang”, giữa “vành đai và hành lang”.

Bên cạnh đó, dù trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực Vân Đồn của Quảng Ninh được xác định là đô thị ven biển nằm trong vành đai kinh tế năng động của quốc gia (Hạ Long - Vân Đồn - Hải Hà - Móng Cái), Đề án xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn cũng đang được Trung ương xem xét song hệ thống giao thông đối ngoại cũng không đáp ứng yêu cầu, vấn đề cấp thiết hiện nay cần được đầu tư tương xứng để thúc đẩy quá trình xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Hỗ trợ tối đa

Tại buổi làm việc, xác định việc hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh chính là công việc của ngành, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cùng lãnh đạo tỉnh đề ra nhiều biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Về cảng biển, Bộ trưởng đề nghị Quảng Ninh nhận nguyên trạng Công ty TNHH Hòn Gai Vinashin trong đó có cảng khách Hòn Gai của Vinashin trước 15/9/2013, sau đó chờ kết quả kiểm toán rõ ràng để có các phương án đầu tư. Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Hàng hải chịu trách nhiệm sớm triển khai nạo vét luồng vào cảng Hòn Gai theo các yêu cầu của tỉnh. Các cơ quan của Bộ đánh giá lại hiệu quả quản lý cảng Cái Lân nếu không đáp ứng được yêu cầu phải chuyển giao cho nhà đầu tư.

Về đường sắt, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam có báo cáo rõ ràng về hạ tầng đường sắt trên địa bàn Quảng Ninh, đặc biệt là giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Tập trung đầu tư hoàn thành tiểu dự án 1 hoàn chỉnh từ ga Hạ Long vào cảng Cái Lân để đưa vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả cảng Cái Lân.

Về hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý với chủ trương đầu tư theo hình thức BOT, đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn đối ứng giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn theo Quy hoạch đã được duyệt, như đề xuất của tỉnh Quảng Ninh ...

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giao Ban Hợp tác Công-Tư (PPP) của Bộ Giao thông Vận tải làm việc cụ thể với Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ thống đường cao tốc như đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái; đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; các dự án cải tạo, nâng cấp QL18 cũng như các dự án đường địa phương.

Yên Ninh