Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường chiều ngày 25/5. |
Dự kiến, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Quốc hội cũng nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ngày làm việc được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định TP Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước, mục tiêu đến năm 2030.
Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định: “Xây dựng, phát triển Tp Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á”;
“Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm phát triển của toàn vùng; chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…”.
Tại buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh sáng 7/5 vừa qua, các đại biểu cho rằng, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao.
Để đạt được các mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết nêu trên, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều.
Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.
Hiện nay, dự thảo luật đang trong quá trình được cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhằm đảm bảo chặt chẽ, khả thi trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 này.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại Phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, đến nay 99,8% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo đúng lộ trình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ rõ một số hạn chế. Theo đó, đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Đây cũng là những nội dung các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận chiều ngày 26/5.