Quốc hội Hungary lên lịch từ ngày 24/10 bắt đầu họp thảo luận khả năng phê chuẩn nghị định thư chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. |
Cho đến nay, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 quốc gia thành viên còn lại của NATO chưa phê chuẩn văn kiện này.
Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas nêu rõ: “Vào đầu kỳ họp mùa Thu, ưu tiên đầu tiên của Quốc hội là thông qua luật có các cam kết của Hungary theo thỏa thuận với Ủy ban châu Âu.
Kế hoạch này hiện đã được hoàn thành, vì vậy, trong kỳ họp mùa Thu, tôi cho rằng Quốc hội sẽ có thể thảo luận về việc phê chuẩn”.
Theo ông Gulyas, kỳ họp này sẽ kết thúc vào giữa tháng 12, do vậy, việc phê chuẩn sẽ diễn ra trước đó.
Hôm 20/10, Quốc hội Hungary lên lịch từ ngày 24/10 bắt đầu họp thảo luận khả năng phê chuẩn nghị định thư chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Theo truyền thông Hungary, một nhóm nghị sĩ Hungary đã đề xuất tổ chức bỏ phiếu về vấn đề này vào ngày 4/10, nhưng đã bị đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orban phủ quyết. Trước đó, ông Orban tiết lộ tiến trình phê chuẩn các hiệp ước về mở rộng NATO sẽ được xem xét vào mùa Thu năm nay.
Ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, qua đó từ bỏ quan điểm trung lập trong nhiều thập kỷ.
Hiện đã có 28 trong số 30 quốc gia thành viên NATO chính thức phê chuẩn các thỏa thuận về việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển. Hai quốc gia Bắc Âu đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết mối quan ngại về việc Helsinki và Stockholm ủng hộ các tổ chức và cá nhân bị Ankara coi là khủng bố.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ chỉ có thể đạt được tiến triển trong nỗ lực gia nhập tổ chức này nếu Phần Lan và Thụy Điển triển khai các bước đi cụ thể nhằm giải quyết những quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quốc hội của 30 nước thành viên NATO có thể mất tới 1 năm để thông qua quyết định kết nạp 2 nước này gia nhập liên minh.
Phần Lan và Thụy Điển vốn duy trì quan điểm trung lập về quân sự. Vì vậy, động thái gia nhập NATO của 2 nước này sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ, phản ánh sự thay đổi quan trọng về lập trường tại khu vực Bắc Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua.