Gói cứu trợ được thông qua tại Thượng viện với 82 phiếu thuận và 17 phiếu chống, sau khi đã được Hạ viện thông qua ngày 12/10.
Theo đó, 18,7 tỷ USD sẽ được cấp cho quỹ hỗ trợ thiên tai của Cơ quan quản lý tình huống khẩn cấp liên bang, 16 tỷ USD hỗ trợ chương trình bảo hiểm lũ lụt quốc gia và 576 triệu USD chi cho các nỗ lực ứng phó cháy rừng. 1,27 tỷ USD còn lại sẽ được chi cho công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm cho vùng lãnh thổ Puerto Rico - nơi bão Maria hoành hành khiến 51 người thiệt mạng và gây tổn thất nặng nề về tài sản.
Cảnh tan hoang ở Puerto Rico sau cơn bão Maria. (Nguồn: AP) |
Hoan nghênh quyết định thông qua gói cứu trợ, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Trump sẽ giữ cam kết cung cấp các nguồn lực cần thiết để tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng do bão và cháy rừng.
Hiện Tổng thống cũng đang thúc đẩy các cải cách đối với Chương trình Đảm bảo lương thực quốc gia.
Tháng trước, Tổng thống Trump đã ký phê chuẩn dự luật được Quốc hội thông qua về việc cấp khoản ngân sách cứu trợ thiên tai hơn 15 tỷ USD, sau khi siêu bão Harvey và Irma càn quét nhiều bang miền Nam nước này như Texas và Florida, gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Hiện Chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng đang tập trung huy động nguồn ngân sách hỗ trợ nhân đạo cho các địa phương nơi siêu bão Irma và Maria hoành hành. Nhà Trắng cũng đã yêu cầu các cơ quan liên bang ước tính số tiền cần thiết để tái thiết các địa phương sau bão và nộp báo cáo trước ngày 25/10.
Tuy nhiên, hiện một số nghị sĩ bảo thủ vẫn quan ngại về các khoản tiền cứu trợ thiên tai, cho rằng Washington cần quản lý và phân bổ hiệu quả hơn các nguồn tài chính dành cho việc hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng.
Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ trên vào thời điểm Văn phòng Kiểm toán Chính phủ độc lập của nước này vừa cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2050, đồng thời hối thúc Chính phủ Mỹ kiểm soát tốt hơn các nguy cơ này, trong bối cảnh Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được 195 quốc gia thông qua hồi cuối năm 2015.