Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). |
Sự cần thiết phải sửa đổi Luật
Báo cáo tóm tắt thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban nhất trí tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao Cơ quan soạn thảo, trong một số hình thức khen thưởng đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo: Tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật; cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng và quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số trong các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội tán thành với quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc, đồng thời không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại).
Liên quan đến thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với việc bổ sung một số quy định nguyên tắc về đối tượng, tiêu chuẩn trong dự thảo Luật nhằm “tôn vinh, khen thưởng kịp thời, xứng đáng những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, cũng như quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân.
Ủy ban Xã hội nhận thấy, trong khu vực ngoài Nhà nước, bên cạnh các doanh nhân, doanh nghiệp còn có các tổ chức khác như bệnh viện tư, trường học tư... cũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định để bảo đảm bao quát hết các nhóm đối tượng trong khu vực ngoài Nhà nước.
Còn nhiều ý kiến khác nhau
Về tiêu chuẩn khen thưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lượng hóa tối đa các tiêu chuẩn khen thưởng để bảo đảm khắc phục đầy đủ hạn chế đã tổng kết; cân nhắc giữ quy định hiện hành để không bỏ sót đối tượng (những tập thể không thuộc cụm, khối thi đua) đối với một số hình thức khen thưởng (ví dụ như “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Lao động”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”…) khi tiêu chuẩn khen thưởng gắn với “Cờ thi đua của Chính phủ”.
Đề cập về việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục cân nhắc và làm rõ thêm: Thứ nhất, các danh hiệu thi đua này có làm cơ sở để xem xét danh hiệu thi đua cao hơn không; làm rõ nội hàm, phạm vi “tiêu biểu”; thứ hai, rà soát và điều chỉnh tiêu chuẩn để bảo đảm tính khả thi và tính ổn định của quy phạm pháp luật.
Liên quan đến việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật vì đã có những hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến (Bằng khen, Huy chương kháng chiến, Huân chương kháng chiến…) trong đó bao gồm cả lực lượng thanh niên xung phong nếu đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn của từng hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc bổ sung một hình thức khen thưởng riêng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như dự thảo Luật cần cân nhắc vì: Chưa bảo đảm nguyên tắc không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, tính công bằng trong việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công bằng với các hình thức khen thưởng huy chương khác và các lực lượng khác đã đóng góp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng chưa có hình thức khen thưởng tương tự. Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, bao gồm cả tính khả thi khi thực hiện chính sách.
Do vậy, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội nhận thấy, chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật trong lần sửa đổi này.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục rà soát từ ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản trong dự thảo Luật để bảo đảm văn phong, tính quy phạm, tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật cũng như với các Luật chuyên ngành có liên quan.