Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết. |
Định kỳ 5 năm, rà soát tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét
Với 92,59% đại biểu có mặt tán thành (bao gồm điểm cầu TP. Hồ Chí Minh), Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Luật Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, quy định Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ,
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Theo đó, trên cơ sở 177 lượt ý kiến tại Tổ và 26 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, xin báo cáo Quốc hội.
Đối với tên gọi của Luật, nhiều ý kiến đề nghị sửa tên Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê” vì chủ yếu sửa đổi, bổ sung phần Danh mục chỉ tiêu kèm theo dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện như trong dự thảo Luật.
Về bố cục, nhiều ý kiến đề nghị sắp xếp thứ tự và nội dung các điều của dự thảo Luật cho phù hợp theo đúng quy định về hình thức ban hành văn bản luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến này và thể hiện như trong dự thảo Luật, cụ thể như sau: chuyển Điều 2 thành khoản 3 của Điều 1, sửa Điều 3 thành Điều 2.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: căn cứ vào thực tiễn thống kê cũng như thông lệ thống kê quốc tế, việc quy định 05 năm thực hiện rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP là phù hợp, cần thiết.
Tổng điều tra kinh tế sẽ được thực hiện theo kỳ 5 năm một lần, sau khi có kết quả Tổng điều tra kinh tế sẽ là thời điểm thích hợp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát quy mô GDP. Các giai đoạn rà soát, đánh giá lại quy mô GDP sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu sau khi Luật được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đánh giá lại hay không đánh giá lại.
Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị thể hiện lại quy định tại điểm b Khoản 1 “Định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội” vì chưa rõ hệ quả pháp lý của việc rà soát. Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện tại điểm c như sau: “Định kỳ 05 năm rà soát quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc “phải thống nhất” thông tin trước khi công bố tại Khoản 2 dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng chỉ cần quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh về công bố thông tin thống kê, còn việc bảo đảm thống nhất với cơ quan thống kê trung ương nên quy định trong nguyên tắc thống kê. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu quy định rõ phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê để bảo đảm tính đúng đắn, chính xác trước khi công bố.
Tiếp thu các ý kiến đề nghị quy định rõ hiệu lực thi hành của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Về quy định hiệu lực thi hành của Luật từ 01/01/2022, trong khi điều khoản chuyển tiếp quy định thời hạn đến 31/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm cho phép tiếp tục thực hiện những công việc còn đang dang dở như: năm 2022 vẫn phải rà soát, đánh giá lại, công bố chính thức số liệu một số chỉ tiêu của năm 2021 (trước đó là ước tính); xây dựng Phương án điều tra năm 2022; dự toán kinh phí các cuộc điều tra năm 2022 và chuẩn bị các điều kiện khác để thực hiện thu thập thông tin phục vụ biên soạn 186 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13. Do vậy, cần có quy định khoản chuyển tiếp.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Khoản 2 điều khoản chuyển tiếp cần giải trình rõ lý do Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê quốc gia được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, cần phải quy định rõ nội dung chuyển tiếp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, thể hiện như sau: “Chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022”.
Về Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu; bổ sung 10 chỉ tiêu, trong đó đã bổ sung một số chỉ tiêu phản ảnh về chất lượng; bỏ 04 chỉ tiêu và tách 2 chỉ tiêu thành các chỉ tiêu độc lập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Hồ sơ dự án Luật qua 2 lần báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quộc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đầy đủ nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Báo cáo đánh giá về tác động chính sách sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành đã được gửi kèm theo Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 06/10/2021 của Chính phủ.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giao Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu thống kê quốc gia để bảo đảm so sánh quốc tế.
Hiện nay, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam (Phụ lục II ban hành kèm theo Tờ trình số 378/TTr-CP ngày 06/10/2021 của Chính phủ).
Việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật Thống kê “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”.
Toàn cảnh Phiên họp. |
Sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng Hình sự để phù hợp với thực tiễn
Với 93.99% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó:
Về tên gọi của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nội dung chính của dự án Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc sửa đổi Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự chỉ nhằm bảo đảm sự thống nhất với nội dung sửa đổi tại khoản 3 Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Còn việc sửa đổi Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, đưa vào nội dung của điều khoản thi hành như dự thảo Luật.
Về bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên cơ sở quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành việc triển khai Đề án bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.
Đến nay, các cơ quan chức năng đều đánh giá lực lượng Công an xã có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm nếu được giao nhiệm vụ. Việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, nhanh chóng các vụ việc ngay tại địa bàn cơ sở, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Vì vậy, việc sửa đổi này có căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và quy định như tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật.
Về sửa đổi quy định Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo Luật về sửa đổi quy định đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ sửa đổi quy định đối với nhãn hiệu, không sửa đổi đối với chỉ dẫn địa lý.
Để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan . Qua thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt cho thấy, việc sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền chủ động khởi tố (không cần yêu cầu khởi tố của bị hại) đối với hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết, vừa nhằm tăng cường bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, vừa bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và góp phần phát triển kinh tế.
Căn cứ quy định 18.30 của Hiệp định CPTPP về Công nhận chỉ dẫn địa lý thì: “Các Bên thừa nhận rằng chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng hoặc các biện pháp pháp lý khác” nên việc sửa đổi quy định đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý bảo đảm thống nhất về chính sách hình sự và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Việc sửa đổi này không làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu khởi tố, cũng không gây áp lực công việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn thúc đẩy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thống nhất với Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 .
Về bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra, truy tố, nhất là những hoạt động phải tiến hành trực tiếp tại thực địa (như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét nơi ở, nơi làm việc...).
Việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm sẽ không tháo gỡ hết những khó khăn này. Do đó, việc bổ sung điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 của Bộ luật Tố tụng hình sự để bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” là cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý như dự thảo Luật.
Về hiệu lực thi hành của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, để vừa bảo đảm mục đích ban hành Luật, vừa có thêm thời gian cho các cơ quan chức năng chuẩn bị điều kiện cần thiết thi hành Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất đề nghị thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 1/12/2021 như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.
Ngoài những nội dung chính nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: căn cứ mục đích và phạm vi sửa đổi của dự án Luật là nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP và kịp thời tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động tố tụng hình sự nên dự thảo Luật chỉ giới hạn sửa đổi, bổ sung một số điều luật nhất định và áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu trong quá trình tổng kết thi hành để sửa đổi toàn diện Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, đối với một số nội dung liên quan đến các văn bản dưới luật thuộc trách nhiệm ban hành, triển khai của các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường chỉ đạo, giám sát để bảo đảm quy định đầy đủ, thống nhất và khả thi trong thực tiễn.