📞

Quốc hội thông qua Luật Đặc xá sửa đổi với hơn 90% số phiếu tán thành

16:25 | 19/11/2018
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều 19/11, với 451/456 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 92,99%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi).

Luật gồm 6 chương, 39 điều, quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.

Đối tượng áp dụng là người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân; cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.

Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật Đặc xá (sửa đổi).

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày nêu rõ: Về thời điểm đặc xá, nhiều ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt). Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật là kế thừa Luật hiện hành, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách, pháp luật nước ta và thực tiễn thực hiện không phát sinh vướng mắc. Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chưa có nước nào quy định cụ thể trong Luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho Người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn.

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị, giao Chính phủ quy định “tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó nếu quy định cụ thể tiêu chí xác định sự kiện này trong văn bản quy phạm pháp luật có thể sẽ không bao quát hết.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật và giao Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Như vậy, Điều 5 về thời điểm đặc xá quy định: Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 điều này.

Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt (các Điều 22, 23 và 24), có ý kiến cho rằng quy định đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định dự thảo Luật là quá rộng, dễ bị lạm dụng; chỉ nên xét đối với một số đối tượng được hoãn thi hành án thuộc trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.

Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về tiêu chí xác định thế nào là “trường hợp đặc biệt” nhằm bảo đảm tính minh bạch và thống nhất trong tổ chức thực hiện. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối ngoại của Nhà nước.

Có ý kiến đề nghị không mở rộng đặc xá đối với người thuộc diện được hoãn chấp hành hình phạt tù, người đang được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Liên quan đến quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo tổng kết Luật Đặc xá trong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, không phát sinh vướng mắc.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như dự thảo Luật, tiếp tục giao cho Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định; đồng thời tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng không mở rộng đối tượng đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với người đang được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất của đặc xá.

(theo TTXVN)