Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022. (Ảnh: GT) |
Họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Điểm sáng trong "bức tranh màu xám"
Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nền tảng ổn định, các chỉ số của nền kinh tế tương đối tốt. Cụ thể:
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi. Chỉ số IIP tháng 11 tăng 0,3% so tháng trước, tăng 5,3% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 8,6% so cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu dịp cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc. Số doanh nghiệp thành lập mới, hoạt động trở lại tăng 33% so cùng kỳ, gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt gần 20 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. An sinh xã hội được bảo đảm.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022, 2023. Đơn cử như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu" và dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo người phát ngôn Chính phủ, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm.
Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ chưa được xử lý dứt điểm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn...
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát; bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài trên tinh thần bài bản, khoa học, sát tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng; càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định; đồng thời hết sức tránh giật cục trong chỉ đạo, điều hành.
Tăng cường đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu quả phối hợp, chia sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh mỗi bộ, ngành, đơn vị, đồng thời huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành.
Về các nhiệm vụ cụ thể, trong tháng cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỉ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ, chắc chắn, hợp lý, hiệu quả gắn với kiểm soát lạm phát; đồng thời, việc mở rộng chính sách tài khóa phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản...
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là về giao thông, năng lượng...
Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp; bảo đảm nguồn cung, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, lương thực, thực phẩm; không để diễn ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ.
Khai thác tốt thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với phân bổ nguồn lực; đề cao vai trò người đứng đầu, đồng thời phát huy tính sáng tạo, chủ động, linh hoạt của cấp dưới.
Đẩy mạnh tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19; chủ động phòng chống các loại dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Nắm bắt tình hình người lao động mất việc làm tại các khu công nghiệp, các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Nắm chắc diễn biến, tình hình thế giới và khu vực, động thái của các nước để có đối sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội...