📞

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Cao Bằng: Làm tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng

Tống Thoan 16:09 | 02/11/2020
TGVN. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Cao Bằng đã thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng theo đúng quy định, đúng đối tượng và đảm bảo công khai minh bạch.
Người dân nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Cao Bằng được thành lập năm 2012, tổ chức và hoạt động Quỹ theo quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.

Năm 2019, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Cao Bằng đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Qua 8 năm hoạt động, Quỹ BV&PTR đã nhận điều phối của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và thu ủy thác của các nhà máy thủy điện và cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng.

Hàng năm, Ban điều hành Quỹ thực hiện việc chi trả cho các chủ rừng theo đúng quy định, đúng đối tượng và đảm bảo công khai minh bạch.

Để đảm bảo tính công khai minh bạch, an toàn nguồn kinh phí, chi trả kịp thời, đúng đối tượng, từ năm 2018, Quỹ tỉnh đã triển khai thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng qua ngân hàng cho các chủ rừng (gồm: chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, hộ gia đình, cộng đồng).

Đối với chủ rừng là tổ chức và Ủy ban nhân dân các xã có số tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 1 triệu đồng/năm, Quỹ tỉnh chuyển tiền vào tài khoản của tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, tổng số 86 đơn vị chủ rừng (gồm: 80 xã, 01 Ban quản lý rừng đặc dụng, 05 tổ chức).

Đối với chủ rừng là hộ, gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân xã có số tiền dưới 01 triệu đồng/năm, Quỹ tỉnh thực hiện chi trả tiền cho chủ rừng qua ngân hàng với hình thức thông qua hợp đồng uỷ nhiệm chi với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện trực tiếp thực hiện chi trả tiền mặt cho chủ rừng tại UBND các xã theo kế hoạch và danh sách các chủ rừng do Quỹ tỉnh lập.

Tổng điện tích rừng được chi trả tiền DVMTR năm 2019 là 124.381,48 ha; trong đó Phòng hộ 63.066,15 ha; đặc dụng 3.969,83 ha; rừng sản xuất 57.345,5 ha.

Hiện nay Quỹ đã ký được 15 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó 14 hợp đồng thủy điện, 1 Hợp đồng với cơ sở sản xuất nước sạch. Đã triển khai thực hiện rà soát các cơ sở sản xuất nước công nghiệp và nuôi trồng thủy sản tuy nhiên chưa triển khai thu tiền, vì các cơ sở sản xuất nước công nghiệp và nuôi trồng thủy sản là của hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ, doanh thu thấp, một số cơ sở đã tạm ngừng hoạt động...

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách mới và đúng đắn, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng. Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng đã từng bước đi vào hoạt động ổn định và thu được những kết quả tích cực. Bộ máy của Quỹ luôn được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Tình hình vi phạm các quy định về phòng chống cháy rừng vẫn còn sảy ra. Tuy nhiên diện tích thiệt hại không nhiều, cụ thể 6 tháng đầu năm 2020 sảy ra 2 vụ cháy rừng, phá rừng; diện tích thiệt hại 0,148 ha. Chủ rừng đã kịp thời chữa cháy rừng không để cháy lan rộng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện sinh kế cho trên 12.600 hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng (trong đó hộ đồng bào chiếm 90% khoảng 11.379 hộ). Số tiền dịch vụ môi trường rừng các chủ rừng được nhận năm 2019 là 18,308 tỷ đồng (Tổ chức, UBND xã 2,233 tỷ đồng; hộ gia đình, nhóm hộ, công đồng 16,075 tỷ đồng), đạt 96%.

Thông qua chính sách chi trả DVMTR, nhận thức, ý thức của chủ rừng được nâng lên, người dân đã nhận thức được giá trị của rừng. Các hộ gia đình sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, mua thêm cây giống trồng rừng và nâng cao đời sống cho gia đình, mua sắm vật dụng gia đình, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn như một số nhà máy thủy điện còn nợ đọng tiền DVMTR. Bên cạnh đó, địa bàn chi trả DVMTR rộng, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; việc cập nhật, triển khai thực hiện các văn bản về chính sách chi trả DVMTR đối với lãnh đạo cấp xã còn hạn chế.

Để công tác BV&PTR đạt hiệu quả, cần có những chế tài để các chủ đầu tư nhà máy thủy điện nghiêm túc thực hiện việc chi trả DVMTR; tạm ngừng cấp phép đầu tư, xây dựng dự án mới đối với các chủ đầu tư dự án còn nợ đọng tiền DVMTR.