📞

Quy định hải quan so với EVFTA: Tương thích nhưng chưa đủ

22:00 | 11/03/2016
Dù được đánh giá là đã gần như đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế nhưng các quy định pháp luật về hải quan và tạo thuận lợi thương mại vẫn chưa khiến các doanh nghiệp hài lòng…
Nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về thủ tục thông quan rườm rà, phức tạp. (Ảnh minh họa)

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -  Liên minh châu Âu (EVFTA) về hải quan và minh bạch hóa diễn ra ngày 10/3, tại Hà Nội.

Thời điểm vàng để rà soát

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu cho rằng, theo lộ trình, trong khoảng 2 năm nữa, EVFTA sẽ có hiệu lực. Do vậy, đây là thời điểm vàng để Việt Nam rà soát pháp luật trong nước nhằm bảo đảm tương thích với các cam kết của EVFTA và cải thiện việc thực thi, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Báo cáo rà soát pháp luật của Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan và minh bạch hóa cho thấy, pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích với EVFTA. Cụ thể, pháp luật Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của EVFTA về thông quan hàng hóa nhanh chóng, tiếp tục giảm thời gian giải phóng hàng, làm thủ tục hải quan điện tử và xử lý tờ khai điện tử trước khi hàng hóa đến, tạo điều kiện cho việc thông qua ngay khi hàng đến.

Pháp luật Việt Nam cũng đã phù hợp với cam kết EVFTA về chính sách, nguyên tắc về hoạt động hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan… Tuy nhiên, vẫn còn hai yêu cầu nhỏ chưa tương thích là yêu cầu không phân biệt đối xử với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chế độ doanh nghiệp ưu tiên và yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, các cam kết EVFTA không chỉ đặt ra những “chuẩn cải cách” tối thiểu từ góc độ pháp luật điều chỉnh các hoạt động này mà còn nhấn mạnh các tiêu chí quan trọng về hiệu quả thực hiện. Do đó, để tuân thủ các cam kết EVFTA này, Việt Nam sẽ phải có những sửa đổi, điều chỉnh pháp luật và thực tiễn thực thi cho phù hợp.

Vướng mắc không nằm ở... hải quan

Một băn khoăn được nhiều chuyên gia đề cập tới tại Hội thảo là trong khi rà soát cho thấy pháp luật Việt Nam đã phần nào tương thích với các cam kết quốc tế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than thở vì thủ tục rườm rà, phức tạp, chi phí cao, quá trình thông quan gặp nhiều khó khăn.

Lý giải điều này, ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia trong lĩnh vực hải quan cho biết, nguyên nhân nằm ở riêng thủ tục hải quan mà còn liên quan đến thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, thủ tục thông quan hàng hóa không chỉ có mỗi thủ tục hải quan mà gồm một chuỗi các thủ tục liên quan cả chục bộ quản lý chuyên ngành và nhiều khâu dịch vụ xuất nhập khác, được điều chỉnh bởi các hệ thống pháp luật quản lý chuyên ngành khác nhau (kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch…). Ông Bình dẫn chứng, nếu xét về thời gian thông quan, chỉ có 28% thời gian là ở cơ quan hải quan, 72% thời gian còn lại là nằm ở các cơ quan khác.  Do đó, chỉ rà soát các quy định pháp luật về hải quan là chưa đủ, mà còn phải rà soát cả các văn bản do các cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành và các tổ chức cung cấp dịch vụ ban hành.

Đồng quan điểm, Bà Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho rằng, để tạo thuận lợi thương mại, chỉ dựa vào quy định pháp luật hải quan là không đủ, mà cần có sự phối hợp của các bộ, ngành khác ban hành quy định liên quan đến thương mại như như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành chính sách kiểm định động thực vật, Bộ Công Thương ban hành chính sách về mặt hàng, Bộ Y tế ban hành chính sách về an toàn thực phẩm...

Về những vướng mắc trong thủ tục thông quan, bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ, nhiều hàng may mặc xuất khẩu không có nhãn “Made in Vietnam” trên sản phẩm, ghi nhãn theo hợp đồng với khách hàng nước ngoài, dù đã thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ vẫn bị hải quan bắt lỗi, phạt vi phạm hành chính. Việc này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian xuất hàng.

“Hiện nay, việc kiểm ra chuyên ngành vẫn được thực hiện với mọi lô hàng và tại thời điểm làm thủ tục thông quan hàng hóa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cao và thời gian thông quan mới lâu như vậy. Nếu không xử lý đồng bộ các hệ thống pháp luật này mà chỉ riêng pháp luật hải quan là chưa đủ, không thể tạo được thuận lợi thương mại”, ông Bình khẳng định.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp hiện đang rất khó tìm được trang điện tử chính thức để cung cấp các thông về quy định pháp luât hải quan và thương mại. Bản thân doanh nghiệp khi vướng mắc về vấn đề này phải tìm đến nhiều đầu mối như các Bộ, Hiệp hội…Vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn Việt Nam sẽ sớm xây dựng một trang điện tử hoặc một đầu mới để tạo thuận lợi trong tìm hiểu thông tin liên quan đến hải quan và thương mại.