📞

Quy định về biển cấm trọng tải và tổng trọng tải xe (QCVN 41:2019/BGTVT)

08:12 | 21/11/2023
Trọng tải xe được hiểu thế nào? Quy định về biển cấm trọng tải và tổng trọng tải xe được quy định thế nào? Mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

Trọng tải là gì?

Tại QCVN 41:2019/BGTVT, các thuật ngữ liên quan đến trọng tải được giải thích như sau:

Trọng tải bản thân xe là khối lượng bản thân của xe, đo bằng kilôgam (kg) hoặc tấn (t) ở trạng thái tĩnh được ghi theo thông số quy định trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không kể đến khối lượng người trong xe và khối lượng hàng hóa trên xe.

Trọng tải toàn bộ xe (tổng trọng tải) là bằng khối lượng bản thân xe cộng với khối lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).

Trọng tải toàn bộ xe cho phép là bằng trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Tải trọng trục xe là phần của trọng tải toàn bộ xe phân bổ trên mỗi trục xe (trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba).

Theo các định nghĩa trên, có thể hiểu trọng tải bản thân xe là khối lượng của xe còn tổng trọng tải là khối lượng cả xe lẫn hàng.

Quy định về biển cấm trọng tải và tổng trọng tải xe

Liên quan đến trọng tải xe lưu thông thì tại QCVN 41:2019/BGTVT có 03 loại biển cấm gồm: Biển số P.106b - Cấm xe ô tô tải; Biển số P.115 - Hạn chế trọng tải toàn bộ xe; Biển số P.116 - Hạn chế tải trọng trên trục xe.

Ý nghĩa biển cấm tải trọng và tổng tải trọng như sau:

Biển số P.106b: Cấm xe ô tô tải

Biển cấm tải trọng P.106b để báo đường cấm các loại xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn một giá trị nhất định, đặt biển số P.106b.

Biển có hiệu lực cấm các xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở (xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn giá trị chữ số ghi trong biển (chữ số tấn ghi bằng màu trắng trên hình vẽ xe). Biển có hiệu lực cấm đối với cả máy kéo và các xe máy chuyên dùng đi vào đoạn đường đặt biển.

Biển số P.106b: Cấm xe ô tô tải

Nếu muốn xác định xem có được đi vào đoạn đường có biển P.106b hay không cần căn cứ vào khối lượng chuyên chở theo Giấy chứng nhận kiểm định xe: Nếu lớn hơn giá trị ghi trên biển thì không được đi vào đoạn đường có gắn biển này; Nếu bằng hoặc nhỏ hơn giá trị ghi trên biển thì được đi vào đoạn đường này.

Ví dụ: Biển báo cấm xe tải P.106b có số 2.5t, tức là nếu xe tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn 2,5 tấn sẽ không được đi vào đoạn đường có biển này, không kể khối lượng bản thân của xe tải đó là bao nhiêu.

Biển số P.115: Hạn chế trọng tải toàn bộ xe

Để báo đường cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng tải toàn bộ xe (trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua, đặt biển số P.115 "Hạn chế trọng tải toàn bộ xe".

Biển số P.115: Hạn chế trọng tải toàn bộ xe

Biển số P.116: Hạn chế tải trọng trên trục xe

Để báo đường cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng tải toàn bộ xe (cả xe và hàng) phân bổ trên một trục bất kỳ của xe (tải trọng trục xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua, đặt biển số P.116 "Hạn chế tải trọng trên trục xe".

Biển số P.116: Hạn chế tải trọng trên trục xe