Bà Alua Nadirkulova, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Kazakhstan nhấn mạnh điều đó trong phát biểu với vai trò là diễn giả chính của phiên thảo luận chuyên đề về giáo dục chất lượng vì hòa bình và lòng khoan dung cho mọi trẻ em hôm 18/9, trong khuôn khổ khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, diễn ra từ ngày 9/9-11/10 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Đại sứ Alua Nadirkulova (giữa) phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về giáo dục chất lượng vì hòa bình và lòng khoan dung cho mọi trẻ em. (Nguồn: Astana Times) |
Chủ đề trên được Kazakhstan thúc đẩy theo nghị quyết được thông qua vào năm ngoái.
Nhấn mạnh vai trò của giáo dục như một công cụ chính để đảm bảo hòa bình và ổn định cho các xã hội ở mọi nơi trên thế giới, Đại sứ Alua Nadirkulova đã chia sẻ kinh nghiệm của Kazakhstan trong việc hồi hương và tái hòa nhập trẻ em Kazakhstan từ các khu vực xung đột ở Syria và Iraq.
"Các quốc gia trong khu vực Trung Á, cùng với nhiều quốc gia khác, đã và đang nỗ lực hồi hương và tái hòa nhập trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang và khủng bố. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phục hồi và khôi phục tương lai cho những đứa trẻ này". (Đại sứ Alua Nadirkulova) |
Kazakhstan cam kết sâu sắc trong việc thúc đẩy các nỗ lực nhân đạo và giải quyết các thách thức về quyền con người mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt cũng như quá trình phục hồi nói chung. Nhờ các hoạt động nhân đạo đặc biệt, 725 công dân Kazakhstan đã được trở về quê hương, trong đó có 37 nam giới, 188 phụ nữ và 500 trẻ em.
Sau khi hoàn tất các thủ tục phục hồi, tất cả những người trở về từ các khu vực giảm leo thang xung đột ở Syria và Iraq đều có được các quyền bình đẳng với những công dân Kazakhstan khác, bao gồm quyền được giáo dục.
Đại sứ Alua Nadirkulova nêu rõ, trong số những người được hồi hương, hơn 200 trẻ em đã được ghi danh vào giáo dục mầm non và hơn 200 trẻ em đã được ghi danh vào các trường học. Ngoài ra, hơn 140 trẻ em đã có cơ hội tham gia các hoạt động sáng tạo, thể thao và hoạt động ngoại khóa, giải trí như tham quan nhà hát, bảo tàng, dã ngoại...
Để tránh bị kỳ thị, tất cả trẻ em sinh ra ở các vùng chiến sự đều được ghi nhận bằng giấy khai sinh ghi rõ thành phố quê hương của cha mẹ là nơi sinh của chúng. Theo bà, điều này rất quan trọng đối với sự thích nghi của trẻ em trong xã hội, tại các trường học mà các em theo học.
“Chúng ta phải đảm bảo rằng quyền của trẻ em là trọng tâm của các quá trình xây dựng hòa bình và giáo dục thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, sự hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa tất cả mọi người. Chỉ thông qua sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản thì hòa bình và lòng khoan dung mới thực sự được thúc đẩy”. (Đại sứ Alua Nadirkulova) |
Cùng ngày, Phái đoàn Kazakhstan tại Geneva, Quỹ toàn cầu về tham gia và phục hồi cộng đồng (GCERF) và Quỹ Aqniet Kazakh đã tổ chức sự kiện bên lề "Quyền được sống trong hòa bình: Tái hòa nhập công dân Kazakhstan từ các vùng xung đột vào xã hội". Sự kiện tập trung vào tầm quan trọng của việc đảm bảo các quyền và quyền tự do cơ bản của những người hồi hương từ các vùng xung đột ở Syria và Iraq như một phần của quá trình tái hòa nhập xã hội của họ.