📞

Quyền lực mềm Trung Quốc ở Đông Nam Á

16:08 | 10/11/2008
Nằm trong chiến lược thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn, Trung Quốc đã nỗ lực biến đất nước và nền văn hóa quốc gia trở nên hấp dẫn ở mức độ cao nhất đối với thế giới, nhất là các quốc gia láng giềng Đông Nam Á.

Lặng lẽ xây móng

 

Tháng 11/2000, ông Giang Trạch Dân, khi đó là Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, đã có chuyến công du đầu tiên tới Campuchia. Đến sân bay thủ đô Campuchia, nhà lãnh đạo Trung Quốc này có bài phát biểu ngắn trước các quan chức Campuchia ra tiếp đón, rồi nhanh chóng vào xe hộ tống đang đợi sẵn ở đường.

 

Bảy năm sau, ông Giang Trạch Dân trở lại đất nước Angkor. Hàng ngàn trẻ em Campuchia đứng dọc hai bên đường, vẫy những chiếc cờ Trung Quốc bé xíu hay những tấm ảnh nhỏ in hình Giang Trạch Dân. Khi ông Giang Trạch Dân dạo vòng quanh thành phố, những đứa trẻ chào đón ông như David Beckham, hơn là một chính trị gia già với cặp kính cận, tóc vuốt ngược, láng dầu.

Trung Quốc đã lặng lẽ đặt nền móng cho chuyến thăm của Giang Trạch Dân. Bắc Kinh đã trở thành nhà cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Campuchia. Tiếng Trung đã được giảng dạy ở hầu hết các trường học ở Phnom Penh. Những đứa trẻ Campuchia từng mơ đến Pháp và Mỹ học tập giờ đang hướng tới các trường đại học ở Thượng Hải.

 

Sự hào hiệp của Trung Quốc với Campuchia thì còn tới mức khiến cho ông Hun Sen, hồi tháng 4/2008, phải tuyên bố rằng: “Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất”. Từ năm 1997 đến 2005, Trung Quốc tài trợ cho Campuchia khoảng 600 triệu USD. Và ngay trong chuyến thăm Campuchia hồi tháng 4/2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết sẽ cho vay và viện trợ cho Campuchia 600 triệu USD. Số tiền mà Trung Quốc cam kết này nhiều bằng tổng số tiền mà các nước phương Tây và Nhật cam kết với ông Hun Sen trong năm 2006.

 

Campuchia không phải là trường hợp duy nhất. Từ cuối thập kỷ 1990, sự nhận thức về sự lan tỏa của Trung Quốc ở khắp các nước đang phát triển đã thay đổi. Các nước đang đi đến xem Trung Quốc phát triển và coi Trung Quốc như là một đối tác, thậm chí là một người bạn. Sự chuyển đổi này chủ yếu là nhờ vào quyền lực mền của Trung Quốc – sự hấp dẫn của văn hóa, ngoại giao, thương mại và nghệ thuật của Trung Quốc.

 

Người phát ngôn của Thế giới thứ 3

 

Trước thập kỷ 1990, quyền lực mềm của Trung Quốc được xem khá mờ nhạt. Nhưng vào cuối thập kỷ 1990, lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng quyền lực cứng của quốc gia này vẫn còn giới hạn nên đã tập trung phát triển quyền lực mềm.

 

Bước sang thế kỷ 21, thông qua viện trợ nước ngoài, đầu tư, thuật ngoại giao khéo léo, du lịch và giáo dục, quyền lực mềm của Bắc Kinh bắt đầu mở rộng mạnh mẽ. Đặc biệt, đất nước này đang tự khắc họa mình như là “vệ sỹ” của các quốc gia đang phát triển. “Rõ ràng rằng tại các cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á–Thái Bình Dương (APEC), Trung Quốc đang được xem như là người phát ngôn của các nước thuộc thế giới thứ 3”, Federico Macaranas, một học giả Philippines nói.

 Sức mạnh PR

 

Trong các chuyến viếng thăm nước ngoài, các quan chức Trung Quốc không né tránh quảng cáo các lợi ích của mô hình kinh tế chính trị nước này. Ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách địa phương dường như được thuyết phục rằng nếu họ học được từ Trung Quốc, họ có thể thành công gấp đôi Trung Quốc trong việc xúc tiến sự phát triển và tuyên chiến với đói nghèo. Chẳng hạn, ở Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách trẻ nghiên cứu “mô hình phát triển của Trung Quốc”, mô hình mở cửa kinh tế chậm trong khi duy trì được sự kiểm soát của hệ thống chính trị.

 

Nâng cấp ngoại giao nhân dân

 

Các nỗ lực của ngoại giao nhân dân Trung Quốc nhằm củng cố khái niệm phát triển hòa bình. Bắc Kinh cũng tạo ra một hình ảnh Trung Quốc của những Tổ chức thanh niên tình nguyện tới làm việc ở các nước khác (Peace Corps) trong các dự án tình nguyện dài hạn ở các nước đang phát triển như Lào.

 

Trung Quốc đã nâng cấp hệ thống Tân Hoa xã và mở rộng diện phổ biến bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, ngoài tiếng Anh và tiếng Hoa và mở rộng hệ thống phát sóng quốc tế của đài truyền hình Trung Quốc (CCTV).

 

Khi Trung Quốc nâng cấp ngoại giao nhân dân, nước này cũng đầu tư vào việc đổi mới các cơ quan đối ngoại. Trong 15 năm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bắt đầu cho các nhà ngoại giao già về hưu, thay thế bằng thế hệ trẻ, những người nói tiếng Anh và tiếng địa phương tốt hơn.

 

Quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc là những nét chính của ngoại giao nhân dân. Bắc Kinh đang tài trợ cho các Viện nghiên cứu Nho giáo, các trường học tiếng Trung ở các quốc gia Đông Nam Á. Từ năm 2002 đến năm 2004, số các sinh viên Campuchia học tiếng Trung Quốc tăng gần 20%, trong khi số người Indonesia tăng gần 50% và số người Việt Nam tăng gần 90%.

 

Ảnh hưởng kinh tế

 

Các công cụ kinh tế của quyền lực mềm Trung Quốc cũng đã trở nên tinh vi hơn. Theo một nghiên cứu về viện trợ Trung Quốc của Trường Đại học Quốc phòng Henry Yep ở Washington, vào năm 2003, viện trợ của Trung Quốc đối với Philippines lớn gấp 4 lần so với viện trợ của Mỹ; Đối với Lào, viện trợ của Trung Quốc gấp 3 lần so với Mỹ; Và đối với Indonesia gần gấp đôi so với Mỹ.

 

Bắc Kinh cũng đã trở nên khôn ngoan hơn trong cách sử dụng đồng tiền của mình. Hiện Trung Quốc thường nhằm đến những dự án cơ sở mang tính thực tế. Tự do thương mại của Trung Quốc cũng đang giúp nâng cao hình ảnh của nước này. Cùng với một hiệp định tự do thương mại với Đông Nam Á, Bắc Kinh đang đàm phán hơn 15 hiệp định tự do thương mại với các quốc gia khác.

 

Khác với 10 năm trước, hiện nay, hầu như các nhà lãnh đạo Đông Nam Á không còn đặt câu hỏi về sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc.

 

Mặt trái của sức mạnh

 

Nhưng khi quyền lực mềm Trung Quốc phát triển, nó có thể bắt đầu vấp phải sự chống đối. Điều tất yếu là khi một quốc gia trở nên quyền lực hơn, các nước khác sẽ bắt đầu cảnh giác với sức mạnh đang tăng này.

 

 Một số nước nhận thấy rằng mặc dù các lời hứa của Trung Quốc về sự không can thiệp, nhưng khi động tới các quyền lợi thiết thực, Trung Quốc – giống như bất cứ cường quốc nào – sẽ nghĩ đến bản thân trước.

 

Không có quốc gia Đông Nam Á nào lại có thể từ chối những lời mời hấp dẫn của Trung Quốc. Nhưng bản thân các quốc gia này cũng nhận ra rằng, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang bị hút về phía Trung Quốc; các ngành kỹ thuật cao cũng không thể có được từ Trung Quốc, và hàng hoá của họ phải cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc.

 

Mai Thảo(Tổng hợp từ Globalist, Newsweek, Foreign Affairs)