Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị cho là còn chậm. (Nguồn: Dân trí) |
Phân bổ vốn sớm để thúc đẩy giải ngân
Năm 2023, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho đầu tư công ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Khối lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 rất lớn. Để thúc đẩy giải ngân, năm nay, kế hoạch vốn đã sớm được phân bổ chi tiết.
Tính đến 31/1, cả nước đã phân bổ trên 90% vốn đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, với giá trị hơn 638.600 tỷ đồng. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 104.611,593 tỷ đồng, chiếm 14,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, ngay trong tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương ráo riết phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công được giao, làm tiền đề giải ngân số vốn ngân sách kỷ lục trong năm.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân vốn trong nước chưa phân bổ chủ yếu là do các dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư, nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết kế hoạch vốn (trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội); vốn nước ngoài chưa phân bổ do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư. Theo đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2023 ngay từ đầu năm; Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có những giải pháp quyết liệt để giải ngân hiệu quả cho các dự án sử dụng nguồn vốn này, đặc biệt là công trình giao thông trọng điểm, dự án có tính lan tỏa.
Không để vốn chờ dự án
Trong năm nay, ngành giao thông vận tải triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn. Kế hoạch vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước tới nay lên đến 94.161 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022.
Ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ giải ngân và kịp thời giao vốn cho các dự án đầy đủ thủ tục. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Cùng đó, chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng...
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều bộ ngành, địa phương đã có những giải pháp căn cơ hơn để giải ngân nguồn vốn quan trọng này, từ đó tạo động lực tăng trưởng mới ở địa phương và các khu vực dự án đi qua. Hàng loạt bộ ngành, địa phương đồng loạt ra chỉ thị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bình Dương….
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 1/2023 ước đạt 27.000 tỷ đồng. Hai đầu tàu của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ giải ngân cao nhất, lần lượt là 2.698,9 tỷ đồng và 1.638,1 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, sức ép trong công tác chuẩn bị dự án năm nay bao gồm việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án sẽ giảm bớt so với năm ngoái. Đây chính là điều kiện tốt để các bộ, ngành, địa phương tăng tốc thi công, giải ngân ngay trong những tháng đầu năm.
“Chúng tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai Nghị quyết 01 nói chung và trọng tâm là những giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công với số lượng vốn lớn cũng như sức ép không nhỏ"- Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và đề xuất, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ.
Kết thúc năm ngân sách 2022, ước tính tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với các giải pháp quyết liệt từ trung ương và địa phương, giới chuyên gia kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tăng 20 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2022, theo đó, hàng loạt DN xây dựng, bất động sản, giao thông… có thể được hưởng lợi lớn.