Điều này gợi nhớ đến câu chuyện một gia đình tại Nghệ An đã thành lập gánh hát phục vụ nhân dân và bộ đội. Suốt 70 năm qua, truyền thống này vẫn được gìn giữ và phát huy. Đó là gia đình thuộc dòng họ Nguyễn An ở Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu - Nghệ An) đã sinh ra nhạc sĩ An Thuyên, một nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ An Thuyên là đời thứ hai của Gánh hát gia đình xứ Nghệ. |
Mảnh đất Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu , tỉnh Nghệ An - nơi có di sản văn hóa ví giặm đã nuôi dưỡng bao tâm hồn nghệ thuật cho quê hương đất nước. 70 năm trước, dòng họ Nguyễn An ở nơi đây đã lập gánh hát gia đình phục vụ nhân dân và bộ đội. Nhạc sĩ An Thuyên khi mới 11 tuổi đã theo cha mẹ đi biểu diễn khắp nơi. Chính trong môi trường lý tưởng đó đã nuôi dưỡng tâm hồn người nhạc sỹ tài hoa này.
Các ca sĩ, nghệ sĩ “gánh hát gia đình Xứ Nghệ” tại Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu - Nghệ An). |
Khi mới ngoài 20 tuổi, nhạc sĩ An Thuyên đã viết ca khúc “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Đấy là hai ngọn lửa đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc của ông. Từ đó trở đi, các ca khúc đều đặn ra đời. Phần lớn sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Những ca khúc của nhạc sĩ An Thuyên góp phần vẽ nên sự đẹp đẽ, nên thơ, thắm đượm tình người ở những miền quê nghèo xứ Nghệ. Hay đúng ra, ông đã đưa những chất liệu trong cuộc sống đó vào sáng tác của mình để nó đến được với mọi người.
Thiếu tá, Nghệ sĩ múa An Vi Oanh, Đoàn Nghệ thuật Biên Phòng là đời thứ tư trong gánh hát của gia đình. |
Trong suốt những năm làm việc và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhạc sĩ An Thuyên đã để lại một gia tài đồ sộ, gồm nhiều ca khúc mang âm hưởng ca dao ngọt ngào như: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Hành quân lên Tây Bắc”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Chiều sông Thương”… Trong đó đều chứa đựng tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa, tình yêu dành cho quê hương.
NSƯT Hương Giang, Giảng viên Thanh nhạc Trường đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội là đời thứ ba trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. |
Không chỉ là nhạc sĩ có nhiều đóng góp về mặt sáng tác, nhạc sĩ An Thuyên còn là người đã có nhiều công hiến trong việc quản lý, tìm kiếm, giảng dạy nhạc cho nhiều thế hệ sinh viên tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Trong gia đình, nhạc sỹ An Thuyên là người truyền cảm hứng và tình yêu nghệ thuật cho con cháu. Nối gót ông, là những lớp nghệ sĩ nhiệt huyết thành danh trong môi trường nghệ thuật như NSND An Phúc, ca sĩ Bông Mai, Nhạc sĩ An Hiếu, NSƯT Hương Giang, NNƯT An Thi…Đến nay, dòng họ Nguyễn An ở Quỳnh Thắng có thế hệ nghệ sĩ đời thứ tư nhiệt huyết theo đuổi con đường nghệ thuật như các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ: Hà Đức Tâm, Mai Nguyễn Anh, Hải Yến, Như Quỳnh, Hiền Lương, Vi Oanh, Quang Huy, Quang Tư, Kiều Trinh…Tính đến nay dòng họ Nguyễn An ở Quỳnh Thắng đã có hơn 30 nghệ sĩ trẻ đang công tác tại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài lực lượng vũ trang.
Cả gia đình NSND An Phúc đều theo con đường hoạt động nghệ thuật. |
Để tiếp tục được phát huy những truyền thống của ông cha, góp phần bảo tồn và phát huy đi sản văn hóa dân ca ví giặm, vừa qua, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Di sản văn hóa Ví Giặm với các nhân sự chủ chốt là các nghệ sĩ, ca sĩ của dòng họ Nguyễn An tại Quỳnh Thắng.
Hòa chung không khí kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Di sản văn hóa Ví Giặm tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Hồn Quê Xứ Nghệ” phục vụ người dân tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.