Rác trở thành một mặt hàng nhập khẩu đang tăng mạnh ở Thụy Điển. (Ảnh minh họa) |
Mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 chuyến xe tải chở rác tấp nập ra vào một nhà máy ở ngoại ô thành phố Gưteborg, miền Tây Thụy Điển. Số rác này không phải để chôn lấp hay bỏ đi, cũng không dùng để tái chế mà được chuyển đến một hệ thống lò đốt đặc biệt nhằm tạo ra nhiệt lượng sưởi ấm cho các cư dân Gưteborg. Anh Christian Lưwhagen, đại diện Công ty năng lượng Renova – đơn vị điều hành nhà máy, cho biết: “Nguồn nguyên liệu duy nhất mà chúng tôi đang sử dụng là rác thải”.
Theo số liệu của Avafall Sverige - Hiệp hội Quản lý chất thải quốc gia, khoảng 950.000 gia đình Thụy Điển được sưởi ấm bởi nguồn năng lượng tái chế từ rác thải. Nguồn “tài nguyên” đặc biệt này cũng đang cung cấp điện năng cho gần 260.000 gia đình. Thụy Điển đang trở thành quốc gia đi tiên phong trong phong trào biến rác thải thành năng lượng, là tấm gương cho nhiều quốc gia trong khu vực như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan noi theo.
Thân thiện với môi trường
Quá trình biến rác thải thành năng lượng tại Thụy Điển hoạt động theo quy trình tương đối nghiêm ngặt. Sau khi phần dành cho tái chế được tách ra, rác được chuyển đến các lò đốt để tạo ra nhiệt lượng. Trong đống tro sót lại, các mảnh kim loại chưa cháy hết sẽ được tách rời và tái chế, đồ sứ và ngói được sử dụng trong thi công đường bộ. Ngoài ra, nhiệt từ rác còn được sử dụng để đun nước tạo ra hơi làm quay các tuabin sản sinh điện.
Quy trình tái chế rác thải thành năng lượng tại Thụy Điển được thực hiện quy mô và chuyên nghiệp. Nhằm hạn chế tối đa lượng chất độc thải ra môi trường, khói độc sinh ra trong quá trình đốt rác sẽ được xử lý kỹ qua bộ lọc điện. Dù quá trình xử lý rác thải chưa thật sự hoàn hảo như mong muốn nhưng Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển cho rằng, với kỹ thuật lọc khói đang liên tục được cải tiến thì lượng khí độc hại thải ra cũng đang giảm dần và ở mức cho phép.
“Điều người dân chúng tôi quan tâm hàng đầu vẫn là môi trường. Việc đốt rác phải thực sự thân thiện với môi trường, nếu không chính quyền nên dừng ngay mọi hoạt động tái chế”, anh Karin Fjellander, một cư dân cho biết.
Nguồn tài nguyên quý
Adis Dzebo, chuyên gia năng lượng tại Viện Môi trường Stockholm đánh giá, hệ thống cung cấp nhiệt sưởi ấm ở Thụy Điển có chất lượng tốt nhất thế giới. Trong khi tại nhiều quốc gia khác, nguồn nguyên liệu cung cấp nhiệt lượng chủ yếu vẫn là khí gas hoặc nguyên liệu hóa thạch thì Thụy Điển lại dựa vào quá trình tái chế rác thải.
Rác thải giờ đây đã thực sự trở thành một nguồn tài nguyên quý của Thụy Điển. Hiện nước này không còn đủ rác thải để đáp ứng nhu cầu nhiệt lượng của người dân. Có đến 52% rác thải được sử dụng để tạo ra năng lượng, 47% được dùng cho hoạt động tái chế khác và chỉ hơn 1% để đem chôn.
Trái với nhiều quốc gia phải “đau đầu” tìm biện pháp để xử lý rác thải thì Thụy Điển lại phải nhập khẩu rác từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Trong năm 2010, nước này đã nhập khẩu khoảng 550.000 tấn rác và tăng lên gần 800.000 tấn vào năm 2014. Năm ngoái, riêng công ty Renova đã nhập hơn 100.000 tấn rác thải, chủ yếu là từ Anh và Na Uy, cùng với hơn 435.000 tấn rác thải “nội địa” để cung cấp cho các nhà máy tái chế rác thải. Avafall Sverige dự báo, nước này sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn rác trong năm 2015 và 2,3 triệu tấn trong năm 2020.
Nhiều nước châu Âu đã bắt đầu tìm đến các công ty xử lý rác thải như Sysav và Renova để bán rác công nghiệp. “Chúng tôi cảm thấy tự hào vì đang góp phần giúp các nước láng giềng quẳng đi một gánh nặng về môi trường”, anh Lưwhagen nói.
Từ mô hình này, Liên minh châu Âu đã khuyến khích các nước thành viên xây dựng hệ thống sưởi ấm bằng nhiệt. Nhiều đoàn từ các nước như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên đến Thụy Điển để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm.
Phi Vũ (tổng hợp)