Loại rác thải này bao gồm hàng nghìn những mảnh vụn từ các bộ phận tên lửa, thiết bị của các phi hành gia, các vệ tinh không còn hoạt động… Tuy lơ lửng trong không gian, cách Trái đất hàng trăm kilomet, nhưng những mảnh rác thải này lại tiềm ẩn nguy cơ phá hoại hệ thống vệ tinh dày đặc đang hoạt động quanh Trái đất.
Bức tranh về rác thải vũ trụ
Kể từ khi Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên do LB Nga (Liên Xô cũ) chế tạo được phóng lên quỹ đạo vào năm 1957, mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người, cho đến nay, số lượng vật thể nhân tạo được phóng lên vũ trụ đã lên đến con số hơn 40.000. Tuy nhiên, mỗi khi phóng cái gì đó vào không gian, nghĩa là chúng ta cũng đang tạo ra rác.
Các vệ tinh hiện đang hoạt động chiếm chưa đến 10% trong số này. Số còn lại là các mảnh vỡ vương vãi, không còn giá trị sử dụng. Một phần lớn trong số này nằm ngoài khả năng quản lý của các cơ quan vũ trụ do có kích thước quá nhỏ. Chúng bay trong quỹ đạo với vận tốc 8 km/giây, nhanh gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn. Với vận tốc trên, một mảnh vụn nhỏ chỉ 1cm khi va chạm sẽ có sức nổ ngang một quả lựu đạn.
Những vật thể xuất hiện trong quỹ đạo Trái đất, bao gồm cả vệ tinh và rác thải vũ trụ. (Nguồn: NASA) |
LB.Nga là nước có nhiều vật thể bay nhất. Mặc dù vậy, lượng rác thải vũ trụ của nước này chỉ đứng thứ hai trên toàn thế giới. Mỹ là nước có số lượng rác thải vũ trụ nhiều nhất với gần 4.000 vật thể. Những đồ phế thải bị bỏ lại trong không gian này có thể rơi trở lại Trái đất, gây nguy hiểm cho con người và các loài vật khác.
Hậu quả thứ hai khiến các nhà khoa học lo ngại hơn, đó là các vật thể này có thể va chạm với nhau, làm bắn ra nhiều mảnh vỡ và tiếp tục gây ra các vụ va chạm khác. Quá nhiều vật thể bay ngoài vũ trụ sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ va chạm liên hoàn, có khả năng phá hủy nhiều vệ tinh đang hoạt động, hay thậm chí gây nguy hiểm trực tiếp cho các phi hành gia.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu đến một ngày, khoảng không trên vũ trụ trở nên quá tải bởi rác thải, các vệ tinh không còn khả năng hoạt động, thì chắc chắn, con người sẽ phải đổi mặt với những thay đổi về lối sống khó có thể tưởng tượng được. Chính vì vậy, “dọn dẹp” vũ trụ, hay giảm thiểu rác thải vũ trụ chính là nhiệm vụ được nhiều quốc gia coi trọng hiện nay.
“Làm sạch” vũ trụ - Không thể hay có thể?
Con người chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu nào để kéo rác thải vũ trụ trở về Trái đất, nhưng các chuyên gia vẫn đang không ngừng nghiên cứu. Cách tốt nhất hiện nay để giảm tốc độ gia tăng lượng rác ngoài không gian là hạn chế thải rác. Tập đoàn tên lửa SpaceX đang thực hiện điều này bằng cách dùng loại tên lửa có thể tái sử dụng và tự quay trở lại Trái đất.
Nhiều nghiên cứu cũng đang được khẩn trương tiến hành, qua đó giới thiệu nhiều ý tưởng đột phá để “làm sạch” vũ trụ. Có thể kể đến sáng kiến mang tên CleanSpaceOne của các nhà khoa học Thụy Sỹ - một vệ tinh đặc biệt có khả năng chộp lấy rác thải vũ trụ và ném chúng trở lại bầu khí quyển Trái đất. Tại đây, rác thải vũ trụ sẽ bị thiêu hủy do ma sát với không khí.
Trạm Không gian Quốc tế ISS. (Nguồn: NASA) |
Trong khi đó, công ty công nghệ vũ trụ Electro Optic Systems của Australia đang nghiên cứu một loại tia laser có công suất lớn, độ chính xác cao, và có khả năng tác động đến vị trí của rác thải vũ trụ để tránh các vụ va chạm liên hoàn.
Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đang tiến hành nghiên cứu 1 thiết bị dạng lưới có tác dụng dọn rác vũ trụ, hoạt động trên nền tảng điện động lực. Điện được tạo khi thiết bị quay sẽ giúp làm chậm tốc độ của rác trong không gian, kéo chúng về bầu khí quyển, nơi chúng bị đốt cháy trước khi rơi xuống mặt đất một cách vô hại.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, trở ngại lớn nhất của việc dọn dẹp rác thải vũ trụ không phải ở vấn đề công nghệ hay kỹ thuật, mà chính là ở con người. Theo quy định quốc tế, các quốc gia và tổ chức không được phép tác động vào vệ tinh hoặc tàu vũ trụ của nhau. Hành động này thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh. Chính vì vậy, các quốc gia cần sớm thống nhất một hiệp ước quy định việc cứu hộ và loại bỏ các vật thể bay trong không gian. Nếu không, hậu quả từ rác thải vũ trụ sẽ trở nên vô cùng khó lường.