Người dân rời khỏi phía Đông Rafah sau khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở khu vực này hôm 6/5. (Nguồn: AP) |
Tối 7/5, hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trên truyền hình nêu rõ: “Đề xuất của Hamas còn rất xa mới đáp ứng các yêu cầu của chúng ta… Israel không thể chấp nhận một đề xuất gây nguy hiểm cho an toàn của công dân và tương lai của đất nước”.
Ông Netanyahu cho rằng, đề xuất của Hamas nhằm ngăn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tiến vào Rafah song đã không thành công. Nhóm đàm phán của Israel đã được chỉ thị “giữ vững” về các nguyên tắc liên quan con tin và an ninh.
Theo ông, IDF đã bắt đầu chiến dịch quân sự ở Gaza để tiêu diệt 4 tiểu đoàn Hamas tại đây. Việc chiếm giữ biên giới với Ai Cập đặt tất cả các lối vào Gaza trở lại dưới sự kiểm soát của Israel.
Bước đi này vừa giúp gây áp lực buộc Hamas phải chấp nhận thỏa thuận, vừa thúc đẩy mục tiêu tiêu diệt phong trào Hồi giáo.
Cùng ngày 7/5, The Jerusalem Post đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định, nước này sẵn sàng thực hiện “thỏa hiệp” để đưa con tin về nước, song nếu lựa chọn đó bị loại bỏ, "chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch trên khắp Gaza, gồm miền Nam, miền Trung và miền Bắc” cho đến khi Hamas bị tiêu diệt.
Israel cũng đang kêu gọi các tổ chức quốc tế sơ tán khỏi các khu vực của Rafah, bất chấp việc cộng đồng quốc tế liên tục hối thúc dừng chiến dịch quân sự ở thành phố biên giới này.
Cộng đồng quốc tế hối thúc ngừng bắn
Ngày 7/5, Al Jazeera đưa tin, trong phản ứng đầu tiên từ khi Israel tấn công Rafah, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuyên bố, Washington đã làm rõ quan điểm phản đối một cuộc tấn công lớn của Israel nhằm vào Rafah.
đã ra lệnh sơ tán người dân. Washington vẫn tin rằng, thỏa thuận trao đổi con tin là điều tốt nhất, có lợi cho cả người dân Palestine và Israel.
Trong khi đó, bày tỏ lo ngại đồng thời cảnh báo Israel rằng, cuộc tấn công vào thành phố Rafah “là sai lầm chiến lược và cơn ác mộng nhân đạo”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi Israel và Hamas nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bày tỏ lo ngại "không có vùng an toàn ở Gaza" để người dân Palestine lánh nạn, lưu ý rằng có 600.000 trẻ em đang cư trú ở khu vực đông dân cư này.
Bộ trưởng Phát triển Bỉ Caroline Gennez cho rằng, cuộc tấn công này sẽ vượt qua "ranh giới đỏ" và EU cần cân nhắc "các biện pháp trừng phạt".
Cảnh báo cuộc tấn công vào Rafah "có thể gây ra nạn đói cho hàng triệu người”, quan chức Bỉ cũng kêu gọi các đối tác EU nhất trí về quyết định "ngừng xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông, tới Israel và các bên xung đột".
Về phần mình, Bộ trưởng Phát triển Đức Jochen Flasbarth cho biết, "tình hình rất nguy cấp và tiếp tục xấu đi" ở Gaza.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố phản đối chiến dịch quân sự của Israel, đồng thời kêu gọi các bên quốc tế có ảnh hưởng hãy can thiệp và gây sức ép nhằm giảm căng thẳng tại Rafah.