📞

RCEP không chỉ có những điều ‘kỳ diệu’

Phan Thanh 15:00 | 03/05/2021
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Các quốc gia cùng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã bắt đầu quá trình thảo luận thông qua Hiệp định. Ngày 8/3, chính phủ Trung Quốc thông báo chính thức phê chuẩn RCEP. Ngày 28/4, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua RCEP.

Hiệp định RCEP được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác của khối gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định đã được các nước ký kết vào tháng 11/2020, sẽ có hiệu lực sau khi có ít nhất sáu quốc gia thành viên ASEAN cùng với ba quốc gia đối tác phê chuẩn.

Việc tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP đòi hỏi nỗ lực cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. (Nguồn: Nikkei)

Khi ASEAN là trung tâm

Hiệp định RCEP giúp các nền kinh tế lớn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập quan hệ hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhau, trong khi FTA do các nước này đàm phán vẫn chưa kết thúc. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, RCEP là một FTA trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm và các đối tác lớn đều dành cho mỗi thành viên ASEAN mức độ mở cửa thị trường cao nhất, cao hơn mức mà các nước này dành cho nhau.

Ngoài ra, việc áp dụng một bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho cả khu vực RCEP thay cho năm bộ quy tắc xuất xứ riêng ở năm FTA ASEAN + hiện hành, giữa ASEAN với từng đối tác, là một thuận lợi nổi bật của RCEP đối với các nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu như Việt Nam. Trong khi đó, với các nước có nền sản xuất đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, thí dụ như Trung Quốc, nơi mà nền sản xuất có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới 100% với nhiều sản phẩm thì thuận lợi trên sẽ không đáng kể.

Hơn nữa, RCEP sẽ thiết lập một sân chơi khu vực với một khuôn khổ ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn tại các FTA ASEAN+ hiện hành. Hiệp định gồm các quy định điều chỉnh thương mại hàng hóa cùng các quy định về giải quyết tranh chấp, sẽ đem lại giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực, tạo cơ hội nhiều hơn cho các nước có quy mô kinh tế vừa phải như các thành viên ASEAN.

Những thay đổi nhỏ trong chính sách thương mại khi thực hiện RCEP có thể sẽ có tác động đáng kể đến dòng chảy thương mại trong ASEAN. Có ba động lực chính trong RCEP có thể dẫn đến sự tăng trưởng thương mại hàng hóa trong ASEAN, bao gồm tính bao quát toàn diện của RCEP, quy mô thị trường rộng lớn và mối liên kết kinh tế mạnh mẽ thông qua thương mại và đầu tư.

Thách thức bảo đảm tự chủ của nền kinh tế?

Với các thành viên ASEAN, RCEP được đánh giá mang đến nhiều điều “kỳ diệu”, một bức tranh tươi sáng cho các hoạt động kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, với Việt Nam, khác với các FTA như Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), RCEP vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Thách thức khi thực thi RCEP nằm ở khả năng tận dụng ưu đãi trong hiệp định này, khả năng duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu và gia tăng nhập siêu. Đối với đầu tư nước ngoài, RCEP cũng có cả cơ hội và thách thức đan xen nhau. Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ-Trung Quốc, cũng như những xu hướng mới trong và sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, bởi nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn.

Đáng lưu ý, yêu cầu sàng lọc chất lượng các dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng việc thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi và kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP, hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là vấn đề rất phức tạp. Ngoài ra, cũng sẽ có những khó khăn đáng kể trong việc cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam.

Hiệp định RCEP được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác của khối gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định đã được các nước ký kết vào tháng 11/2020, sẽ có hiệu lực sau khi có ít nhất sáu quốc gia thành viên ASEAN cùng với ba quốc gia đối tác phê chuẩn.

Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế. Dù vấn đề có thể xử lý được, nhưng thách thức về thể chế còn phụ thuộc vào mức độ toàn diện trong cách tiếp cận của Việt Nam. Khó có thể hiệu quả, nếu nhìn nhận vấn đề thương mại và đầu tư nước ngoài một cách rời rạc khi thực hiện RCEP.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chỉ rõ, cách tiếp cận để thực hiện hiệu quả RCEP gắn với bảo đảm mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam cần gắn với một số nhóm giải pháp chính, như: Tiếp tục thực hiện các cải cách đối với nền tảng kinh tế vi mô nói chung, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất.

Đặc biệt, đặt chính sách đầu tư ở vị trí trung tâm, gắn với một tư duy định hướng, khả thi về một số ngành cần ưu tiên phát triển, các ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP và mức độ tự chủ trong thu hút, sử dụng các dự án FDI từ khu vực...

RCEP là do ASEAN khởi xướng, nhưng muốn tối đa hóa lợi ích, không thể thiếu sự hợp tác của các đối tác lớn.

Tuy nhiên, việc tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP đòi hỏi nỗ lực cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Ở một chừng mực quan trọng, Việt Nam và các nước ASEAN có vai trò trung tâm trong việc hình thành ý tưởng và quá trình đàm phán hiệp định này, thì phần thực thi cũng cần phải giữ được vai trò trung tâm.