Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ngày 19/12/2023. |
Trong một bài viết đăng tải ngày 28/12, hãng tin Reuters (Anh) viết, năm 2023 tiếp tục chứng kiến nhiều thành tựu trong các mối quan hệ quốc tế nhờ chính sách đối ngoại linh hoạt. Trong đó, đóng vai trò quan trọng là trường phái "ngoại giao cây tre" mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thường sử dụng hình ảnh “rễ khỏe, thân chắc, cành mềm” của cây tre để mô tả cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Theo bài viết, đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 ngày càng năng động với những thành tựu rất đặc biệt là nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt trên thế giới gồm cùng với những hiệp định ngoại giao quan trọng.
Việt Nam và Mỹđã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023. Trong chuyến thăm này, hai nước cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về chất bán dẫn, khoáng chất thiết yếu trong sản xuất chip bán dẫn. Hiện Mỹ coi Việt Nam là một trong những "mắt xích" chiến lược ở Đông Nam Á trong nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.
Tiếp theo, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" nhân dịp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Việt Nam và Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế. Các công ty đa quốc gia của Nhật Bản như Canon, Honda, Panasonic, Bridgestone nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trước khi khép lại năm 2023, Việt Nam và Trung Quốccùng thống nhất làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương thông qua tuyên bố chung về xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" Việt Nam-Trung Quốc, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 12-13/12. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông tới một quốc gia châu Á trong năm 2023.
Trong chuyến thăm này, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương của hai nước đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, liên quan đến các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, thương mại, an ninh và kinh tế số… Hai bên công bố Tuyên bố chung với nhiều cam kết sâu rộng khác.
Theo bài viết, những thành tựu ngoại giao nói trên trong năm 2023 là sự tiếp nối những thành tựu gặt hái được trong những năm trước đó. Cụ thể, vào tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện" tập trung vào hợp tác thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh. Vào tháng 6/2023, Việt Nam-Hàn Quốc ký 17 thỏa thuận bổ sung, bao gồm các thỏa thuận về an ninh và khoáng sản quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Những thành tựu ngoại giao của Việt Nam cũng được thể hiện trong lĩnh vực kinh tế. Theo bài viết, là một cường quốc sản xuất trong khu vực, Việt Nam ngày càng đóng vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là một trong những "điểm sáng" của bức tranh kinh tế khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Anh, Chile và Hàn Quốc.
Việt Nam cũng là thành viên của các hiệp định thương mại có quy mô lớn hơn, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Tháng 7/2023, Việt Nam đã thêm Israel vào danh sách các đối tác thương mại tự do.
Việt Nam và Vatican hồi tháng 7/2023 đã đồng ý cử đại diện của Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam trong chuyến thăm Vatican và gặp Giáo hoàng Francis của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Theo bài viết, năm 2024, Việt Nam dự kiến sẽ nâng cấp quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện.