Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc). (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Rộn ràng tháng đầu năm
Tuy số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tháng đầu tiên của năm 2022, vào thời điểm bài báo này lên khuôn, chưa chính thức được công bố, song chắc chắn, con số sẽ khá khả quan.
Lý do là, chỉ tính riêng Dự án Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị), vốn đầu tư đã lên tới hàng tỷ USD. Hôm 15/1/2022, tổ hợp nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) đã chính thức khởi công hợp phần kỹ thuật của dự án này.
Phần khởi công rộn ràng đã khiến nhiều người không để ý rằng, ngay trước thời điểm nghi thức khởi công Dự án bắt đầu, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Trị đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho giai đoạn I của Dự án. Với tổng vốn đăng ký gần 54.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD), đây là dự án tỷ USD đầu tiên “xông đất” năm 2022. Càng đáng mừng hơn, khi ngay sau đó, Dự án đã chính thức khởi động, dù mới đang bắt đầu với hợp phần kỹ thuật.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ được vận hành thương mại vào năm 2026-2027. Trước mắt, với dự án này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung giai đoạn I vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch Điện VIII.
Tháng 1/2021, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam là 2 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng dự án này đã đủ đưa vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng đầu năm vượt cùng kỳ năm ngoái. Chưa kể, một loạt dự án đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư kể từ đầu năm tới nay.
Một trong số đó là Dự án Goertek tăng vốn thêm 400 triệu USD, để nâng tổng vốn đầu tư dự án ở Nghệ An lên 500 triệu USD. Ngoài ra, Coca-Cola cũng đã nhận chứng nhận đầu tư dự án 136 triệu USD ở KCN Phú An Thạnh (Long An).
Đó là các dự án quy mô lớn, còn các dự án nhỏ cũng đang tiếp tục được triển khai. Thậm chí, cách đây ít ngày, Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW, liên doanh giữa Becamex (Việt Nam) và Warburg Pincus LLC (Mỹ) đã công bố việc sẽ đầu tư xây dựng khu nhà xưởng xây sẵn trong KCN Bắc Tiền Phong (Quảng Ninh) để cho thuê. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư thứ cấp có thể sẽ đổ vốn vào đây trong tương lai không xa.
Kỳ vọng năm 2022
Không phải bây giờ, mà ngay từ thời điểm cuối năm 2021, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra với tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến các kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam của các tập đoàn lớn, như Apple, Samsung, Nike, Adidas, Foxconn… để khẳng định xu hướng tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Thậm chí, các kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO, hay kế hoạch tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD của Intel, rồi dự án sản xuất chất bán dẫn của Hanamicrom… cũng đã được nhắc đến.
“Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ rất tích cực. Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến với Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Nhưng không chỉ là đánh giá chủ quan từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam, các khảo sát từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy điều này.
Với các nhà đầu tư châu Âu, thông tin cho biết, có 67% số doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát do JETRO công bố cách đây ít ngày cho biết, có 55,3% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, chỉ khoảng 1,9% doanh nghiệp có xu hướng thu nhỏ và khoảng 0,3% doanh nghiệp có phương án rút khỏi Việt Nam.
Con số này có lẽ cũng tương đồng với các đánh giá tích cực của doanh nghiệp Nhật Bản về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022. Theo đó, 56,2% cho rằng, triển vọng được “cải thiện”; chỉ có 9,6% nhận định “suy giảm”.
Cũng cần nhắc lại rằng, cuộc khảo sát này được thực hiện từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2021, khi dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp tại Việt Nam và các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng vẫn đang được thực hiện, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, nhìn về triển vọng năm 2022, các đánh giá là tích cực.
Ngay cả với tỷ lệ 0,3% doanh nghiệp muốn rút khỏi Việt Nam, theo ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, thì điều đó cũng không có nghĩa là nhà đầu tư sẽ đóng cửa toàn bộ ở Việt Nam, mà chỉ là chuyển hướng sản xuất sang nước khác để bù cho những phần chưa thể sản xuất kịp tại Việt Nam.
“Trong tương lai, khi tình hình chống dịch ở Việt Nam khả quan hơn, họ vẫn muốn quay lại”, ông Shinji Hirai nói.
Trên thực tế, sự “quay lại” này là khá rõ ràng, ngay từ thời điểm cuối năm ngoái, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Nike là ví dụ điển hình và đó là lý do mà ở thời điểm hiện tại, đã có 51% sản phẩm giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, tại Trung Quốc - cơ sở sản xuất từng đứng đầu thị trường của Nike - giờ chỉ còn chiếm 21%.
Ngoài Nike, một nhà đầu tư khác là Samsung cũng vẫn đang gia tăng sản xuất tại Việt Nam. Thông tin mới được Samsung Việt Nam công bố, năm 2021, vượt qua những khó khăn do Covid-19, Samsung Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu và xuất khẩu so với năm 2020. Cụ thể, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Hiện hơn 50% thiết bị di động của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.
Tiếp ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Samsung tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử của tập đoàn này (bao gồm thiết bị di động, điện tử gia dụng và sản phẩm bán dẫn).
Trong khi đó, Công ty TNHH Thăm dò dầu khí Nhật Bản (JAPEX) vừa công bố sẽ đầu tư xây dựng một kho cảng LNG (khí thiên nhiên hoá lỏng) tại Việt Nam. Còn Sri Avantika Contractor Ltd (Ấn Độ) vẫn đang tiếp tục đến các địa phương để khảo sát địa điểm mở “Công viên Dược phẩm” tại Việt Nam.
Khi các chuyến “đi - về” được tiếp tục, thì còn nhiều cơ hội được mở ra cho Việt Nam.