Nhỏ Bình thường Lớn

Con đường hầm nghệ thuật dài nhất thế giới tại Đà Lạt

Đến với thành phố Đà Lạt mùa du lịch này, nhiều du khách tỏ ra thích thú với đường hầm điêu khắc dài hơn 1 km được làm từ nguyên liệu đất đỏ của vùng cao nguyên. Khu du lịch này độc đáo không chỉ về chất liệu mà còn bởi cả những câu chuyện góp phần làm nên thành phố hoa Đà Lạt.

Như nhiều người đã biết, Ngôi nhà Hoàng Sa, Trường Sa đã xác lập hai kỷ lục là ngôi nhà bằng đất đỏ không nung đầu tiên và là ngôi nhà bằng đất đỏ không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên, có diện tích lớn nhất. Đây chỉ là một phần trong cả một đường hầm điêu khắc, tái hiện Đà Lạt thu nhỏ - một đường hầm có đầy đủ đặc trưng Đà Lạt.

Từ núi Lang Biang, những mái nhà kim cổ, đồi thông đến những sinh hoạt thường ngày của các dân tộc vùng cao nguyên đều có trong đường hầm này. Đột phá với chất liệu đất đỏ kết hợp cùng phụ gia không nung, câu chuyện lịch sử Đà Lạt bên Hồ Tuyền Lâm có lẽ sẽ là độc nhất vô nhị. Đó là tập hợp của hàng nghìn tác phẩm điêu khắc nổi, cầu kỳ và đầy tính tượng hình.

Biến chính thứ đất đỏ - không mấy dễ chịu của người Đà Lạt trở thành tác phẩm nghệ thuật, “Đường hầm điêu khắc” tạo thêm cho Đà Lạt một điểm du lịch lý tưởng nữa bên cạnh những điểm đến quen thuộc.

Kể chuyện bằng đất, bằng ngôn ngữ điêu khắc, công trình là sự dồn sức của hàng trăm họa sỹ, kiến trúc sư - những người tâm huyết với mảnh đất Đà Lạt. Đường hầm điêu khắc đang được nối dài, tiếp tục hoàn thiện về một Đà Lạt 120 năm.

Ngoài ra, thử nghiệm biến lòng đất trở thành đường hầm điêu khắc của Trịnh Bá Dũng còn ghi nhận thành công trong áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch. Đó là sự hòa trộn đất cùng các dung dịch là công nghệ cứng hóa Polime. Việc nối dài thêm đường hầm điêu khắc trong tương lai sẽ giúp Đà Lạt sở hữu một trong những công trình nghệ thuật dưới lòng đất dài nhất trên thế giới.

Tuyết Minh (tổng hợp)