📞

Rút quân khỏi Afghanistan – bước lùi của Tổng thống Mỹ Joe Biden?

Lưu Huỳnh 14:00 | 14/04/2021
Kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể để lại hệ quả đáng lường với quốc gia Nam Á.

Theo dự kiến, ngày hôm nay (14/4), chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ công bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ đồn trú tại Afghanistan theo giai đoạn và kết thúc trước ngày 11/9 tới, tròn 20 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng khơi mào cho chiến tranh Afghanistan.

Theo đó, hàng nghìn binh sỹ Mỹ sẽ tiếp tục đồn trú tại Afghanistan sau ngày 1/5, hạn chót mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã thỏa thuận với Taliban. Hiện có 2.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan, dù chênh lệch trên thực tế có thể lên tới 1.000 người. Liên quân tại Afghanistan còn có sự hiện diện của hơn 7.000 binh sỹ, chủ yếu là quân đội NATO.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến công bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan trước ngày 11/9/2021. (Nguồn: EPA)

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các đàm phán hòa bình chưa đạt kết quả như dự kiến. Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ rằng việc công bố kế hoạch là cần thiết bởi nếu Mỹ không đưa ra lộ trình rõ ràng về trước hạn chót là 1/5, Washington có thể sẽ phải chiến đấu với Taliban một lần nữa.

Với ông Joe Biden, điều này rõ ràng không phục vụ lợi ích quốc gia của chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, dù rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp người Mỹ chấm dứt sự hiện diện tại Afghanistan sau hai thập kỷ và giúp ông Biden ghi điểm trong mắt cử tri, song đây cũng có thể là bước lùi về đối ngoại của ông Joe Biden.

Thứ nhất, quyết định này sẽ đi ngược lại những gì ông Joe Biden cam kết trước khi trở thành Tổng thống. Ông từng cho rằng Washington cần duy trì lực lượng chống khủng bố tại Afghanistan nhằm đảm bảo các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda sẽ không thể tấn công nước Mỹ.

Tuy nhiên, quan điểm của ông đã thay đổi chỉ sau hai tháng cầm quyền. Ngày 17/3, trả lời phỏng vấn đài ABC News, Tổng thống Biden đã thừa nhận gặp “khó khăn” trong việc rút lính Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 1/5 theo thỏa thuận của người tiền nhiệm.

Giờ đây, kế hoạch rút quân đang dần trở nên rõ ràng, song lời hứa về lực lượng chống khủng bố tại quốc gia Nam Á vẫn chưa được thực hiện.

Thứ hai, việc Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan để lại khoảng trống lớn cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Phát biểu trước Ủy ban An ninh nội địa của Quốc hội Afghanistan, Giám đốc Tình báo Quốc gia Ahmad Zia Saraj cho biết số vụ tấn công của Taliban đã tăng tới 24% kể từ sau Thỏa thuận hòa bình với Mỹ hồi tháng 2/2020, với tổng cộng 20.600 vụ tấn công có mục tiêu và đánh bom các loại.

Theo ông, con số này cho thấy Taliban không có bất kỳ thay đổi nào trong hệ tư tưởng và hội nghị về hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới có thể không mang lại bất kỳ kết quả nào.

Thứ ba, chính quyền dân sự tỏ ra kém hiệu quả trong đảm bảo an ninh, ổn định chính trị để phát triển. Ngày 12/4, Afghanistan ghi nhận 122 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 57.364 ca.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng quy trình xét nghiệm Covid-19 tại quốc gia này còn hạn chế và con số ca mắc trên thực tế có thể cao hơn nhiều, trong khi hệ thống y tế đang ngày dần quá tải.

Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của Afghanistan suy giảm 1,9% năm 2020. Giá thực phẩm tăng nhanh vì Covid-19, có lúc lên tới 17% chỉ riêng trong tháng 4/2020, trong khi thuế thu giảm 7,6%.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Afghanistan năm 2021 dự kiến đạt 1%, song chỉ khả dĩ nếu viện trợ nước ngoài và tình hình an ninh được bảo đảm, hai yếu tố ngày một bất định với năng lực quản trị của Kabul và sau kế hoạch rút quân của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Vì lẽ ấy, Washington có thể chấm dứt sự hiện diện tại quốc gia Nam Á sau hai thập kỷ và giúp ông Biden ghi điểm với cử tri, song cái giá phải trả sẽ là ổn định chính trị, an ninh của Afghanistan.