Ngày 10/10, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Văn bản này được công bố ở thời điểm quan trọng - tròn 10 năm khi Sáng kiến này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng (2013-2023) và trước khi tổ chức Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ ba.
Một phần đường sắt khổ tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi. (Nguồn: China Daily) |
Chuyển tầm nhìn thành hiện thực
Theo Sách Trắng, 10 năm qua, việc chung tay xây dựng BRI đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, "mở ra không gian mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới, xây dựng nền tảng mới cho thương mại và đầu tư quốc tế", nâng cao năng lực phát triển và đời sống của người dân các quốc gia liên quan, mở ra thực tiễn mới cho việc hoàn thiện hệ thống quản trị toàn cầu, mang lại sự chắc chắn và ổn định hơn cho một thế giới biến động đan xen.
Tin liên quan |
Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và con đường lần thứ 3 sẽ diễn ra trong hai ngày |
“Động lực phát triển của BRI đã mở ra một chương chưa từng có về tăng trưởng toàn cầu, chỉ ra con đường dẫn đến kết nối, hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Nhiều sáng kiến do Trung Quốc đề xuất trở thành nền tảng hợp tác quốc tế lớn của thế giới, với phạm vi bao phủ rộng nhất trong 10 năm qua.
Việc chung tay xây dựng BRI tập trung giải quyết những tồn tại và nút thắt hạn chế sự phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế mới cho các quốc gia, tạo môi trường và không gian phát triển mới, nâng cao năng lực phát triển và vực dậy niềm tin phát triển, cải thiện sinh kế và phúc lợi của người dân các nước tham gia, góp phần giải quyết vấn đề phát triển mất cân bằng trên toàn cầu và thúc đẩy các quốc gia cùng hướng tới hiện đại hóa”, Sách Trắng nêu rõ.
Thông tin thêm về thành tựu của BRI, theo Sách Trắng, “dự án thế kỷ” của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy kết nối toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm điều phối chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính và quan hệ nhân dân chặt chẽ hơn.
Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế tham gia BRI. Trong giai đoạn năm 2013-2022, tổng khối lượng xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước hợp tác xây dựng BRI đạt 19,1 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 6,4%.
Đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và các nước tham gia đã vượt 380 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc hơn 240 tỷ USD.
Maya Majueran, Giám đốc Sáng kiến Vành đai và Con đường Sri Lanka (BRISL), một tổ chức có trụ sở tại Sri Lanka chuyên về hợp tác BRI đánh giá: "Kể từ khi sáng kiến được triển khai, việc xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh đã chuyển từ ý tưởng thành hành động, tầm nhìn thành hiện thực.
Các quốc gia, đặc biệt là các nước Nam Bán cầu, muốn tương lai nhân loại phải nằm trong tay tất cả các quốc gia, các quy tắc quốc tế phải được tất cả mọi người cùng viết ra và tất cả các lợi ích phát triển phải được chia sẻ bởi tất cả”.
Cởi mở và toàn diện hơn
Nhấn mạnh đến một số dự án BRI hàng đầu, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Quách Đình Đình thông tin, đường sắt Trung Quốc-Lào, đường sắt cao tốc Jakarta-Bundung hay đường sắt khổ tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi là một phần của mạng lưới giao thông tổng thể đang được xây dựng theo BRI.
Thời gian tới, bà Quách Đình Đình cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường kết nối chiến lược phát triển và nhu cầu thị trường với các nước hợp tác xây dựng BRI, khơi dậy sự tích cực của các bên tham gia xây dựng sáng kiến theo nguyên tắc “doanh nghiệp làm chủ thể, vận hành theo thị trường, chính phủ dẫn dắt và theo quy tắc quốc tế”, nâng cao trình độ hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại đầu tư, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm và cải thiện sinh kế của người dân.
Trong tương lai, Viện trưởng Viện nghiên cứu Vành đai và Con đường thuộc Đại học Hải Nam Lương Hải Minh nhận thấy, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy BRI như một kế hoạch tổng thể và là thiết kế cấp cao nhất để mở cửa và hợp tác quốc tế cùng có lợi. Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giúp nhiều nước đang phát triển tăng tốc hội nhập khu vực và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để chia sẻ lợi tức từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Lương Hải Minh tin tưởng, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, mô hình này cũng phù hợp với nhu cầu phát triển của các quốc gia và khu vực ở những giai đoạn tăng trưởng khác nhau. Ông khẳng định, 10 năm qua chỉ đánh dấu sự khởi đầu của hợp tác BRI. Tương lai sẽ còn tươi sáng hơn trong thập kỷ tới.
Còn theo Sách Trắng, tiếp tục từ điểm khởi đầu 10 năm này, BRI sẽ thể hiện tính sáng tạo và sức sống lớn hơn, trở nên cởi mở và toàn diện hơn, đồng thời, tạo ra những cơ hội mới cho cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
“Trong tương lai, BRI sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới. Nhưng miễn là tất cả các bên liên quan phối hợp lực lượng, cùng nhau làm việc và kiên trì, chúng ta sẽ có thể khắc phục những vấn đề này, nâng cao sự tham vấn sâu rộng, đóng góp chung và lợi ích chung lên tầm cao mới. Từ đó, hợp tác sẽ phát triển mạnh và BRI có thể hướng tới một tương lai tươi sáng hơn nữa”, Sách Trắng kết luận.
Vẫn còn thách thức?
Tuy nhiên, theo báo Liên hợp buổi sáng, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc tiếp tục đối mặt với nghi ngờ rằng BRI đã khiến các nước châu Phi rơi vào “bẫy nợ”. Báo cáo về “Trung Quốc và Sáng kiến phát triển” của Đại học Boston công bố vào tháng 9 cho thấy, trong 2 năm qua, khoản cho vay của Trung Quốc dành cho châu Phi đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm.
Trả lời họp báo ngày 10/10 về các khoản vay của Trung Quốc dành cho châu Phi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Tùng Lượng cho hay, Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước liên quan để liên tục cải thiện hệ thống tài chính và đầu tư lâu dài, ổn định, bền vững và có thể kiểm soát rủi ro, đồng thời tích cực đổi mới mô hình đầu tư và tài trợ, mở rộng các kênh đầu tư và tài trợ, thiết lập hệ thống đầu tư và tài chính ổn định, minh bạch và chất lượng cao.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng nhận thấy, BRI được cho là có liên quan tới biến đổi khí hậu. Mặc dù Trung Quốc cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài vào năm 2021, nhưng đầu tư vào năng lượng không tái tạo đã chiếm gần một nửa tổng chi tiêu của BRI.
Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ ba được tổ chức trong hai ngày 17-18/9 tại Bắc Kinh, Trung Quốc với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao: Vì sự phát triển và thịnh vượng chung”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dự lễ khai mạc và có bài phát biểu đề dẫn, đồng thời tổ chức tiệc chào mừng và các hoạt động song phương với các đại biểu tham dự. |
| Nhìn lại 10 năm sáng kiến Vành đai và Con đường Một thập niên trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra những ý tưởng lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận ... |
| Thủ tướng phát lệnh khởi công xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 85 nghìn tỷ đồng, còn dự án ... |
| Trung Quốc sắp tổ chức diễn đàn quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/8 thông báo Trung Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường ... |
| CAEXPO 2023: Tận dụng lợi thế vị trí địa lý và hơn thế nữa... Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN những năm gần đây liên tục tăng nhờ lợi thế về vị trí địa lý, các ... |
| Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và con đường lần thứ 3 sẽ diễn ra trong hai ngày Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và con đường (BRF) lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 17-18/10. |