📞

“Săn” đất ở châu Phi: Ai lợi?

14:16 | 30/12/2008
Cuộc khủng hoảng lương thực đã làm bùng nổ số lượng dự án thuê mua đất nông nghiệp với diện tích đôi khi lên đến hàng trăm ngàn ha.
Cuộc khủng hoảng lương thực đã làm bùng nổ số lượng dự án thuê mua đất nông nghiệp với diện tích đôi khi lên đến hàng trăm ngàn ha.  

Các nhà đầu tư, phần lớn đến từ các nước vùng Vịnh “thừa đôla” nhờ bán dầu mỏ nhưng lại thiếu lương thực, đã nhanh chân “đổ bộ” đến các nước kém phát triển có mật độ dân số thấp, tài nguyên đất đai và nguồn nước dồi dào nhằm đảm bảo nguồn cung ứng lương thực và nguyên liệu cho ngành công nghiệp của nước mình. Trong khi đó, nhà cầm quyền các nước nghèo lại sẵn sàng bán rẻ hoặc cho không chủ quyền một vùng đất nào đó với hy vọng kiếm vài đồng ODA của các nước giàu.

 

“Việc săn tìm đất đai không phải là một hiện tượng mới. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nó có tốc độ gia tăng rất lớn”, Paul Mathieu, chuyên gia quản lý đất đai của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), cho biết. Bên cạnh các nhà công nghiệp thực phẩm vốn là các nhà đầu tư truyền thống, trong những năm qua, châu Phi đã thu hút nhiều nhà sản xuất nhiên liệu sinh học, thậm chí cả những “đại gia” ngân hàng. Sau khi giá cả nguyên liệu tăng vọt, các quỹ đầu tư cũng bắt đầu “để mắt” đến lĩnh vực vốn được cho là ít lãi này. Ngoài ra, phải kể đến sự nhập cuộc của các quỹ đầu tư quốc gia.

 

Chân dung “kẻ đi săn”

 

Daewoo thực sự đã gây chấn động với phi vụ thuê lại 1,3 triệu ha đất nông nghiệp trong thời hạn... một thế kỷ” tại Madagascar để trồng ngô và sản xuất dầu cọ. Theo tiết lộ của tờ Financial Times, tập đoàn Hàn Quốc này sẽ không phải trả một xu tiền thuê đất nào. Điều trớ trêu là Madagascar sẽ không chắc chắn nhận được quyền mua lại một phần sản lượng để đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Trong khi đó, “ăn no, mặc ấm” vẫn còn là một nhu cầu xa xỉ của đại bộ phận dân chúng quốc đảo này khi có tới 70% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói. Trong phi vụ đổi chác với Daewoo, phía Madagascar chỉ nhận được lời hứa “bâng quơ” chi tiền xây trường học và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc khai thác khu đất và “tự hài lòng” với những đồng lương rẻ mạt trả cho người lao động mất đất.

 

Tập đoàn Lonrho của Anh đã sẵn sàng để thuê lại 20.000ha đất tại Angola, quốc gia hiện mới chỉ khai thác chưa tới 10% diện tích đất canh tác của mình và phải nhập khẩu gần ½ nhu cầu lương thực. Tập đoàn này cũng đặt mục tiêu thuê mua 2 triệu ha tại châu Phi. Chiquita Brands của Mỹ, nhà sản xuất chuối lớn nhất thế giới, cũng thông báo ý định đầu tư vào Angola nhằm “lẩn tránh” quota nhập khẩu chuối do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với các nước Mỹ Latinh.

 

Một kiểu thực dân mới?

 

Trước thực trạng này, Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf đã lên tiếng cảnh báo sự xuất hiện của một kiểu “hiệp ước thực dân kiểu mới” trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu vốn chẳng mang lại lợi lộc gì cho các nước sản xuất. Hiện nay, các chuyên gia của FAO đang nghiên cứu các công cụ chính sách trong lĩnh vực đất đai để cố vấn cho các quốc gia liên quan. Các chính sách này không nhằm ngăn cản các phi vụ mua bán dạng này mà nhằm tránh nguy cơ những người nghèo bị mất đất, ngăn chặn nạn đầu cơ và phá rừng. Ông Alain Karsenty, chuyên viên Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp Quốc tế và Phát triển (Cirad), cũng cảnh báo rằng việc tăng giá đất nông nghiệp sẽ làm gia tăng nạn phá rừng, nhất là tại khu vực Amazon và lưu vực sông Congo.

 

Theo David King, Tổng Thư ký Liên đoàn Nông dân Quốc tế, nếu một dự án đầu tư có nguy cơ tàn phá nền nông nghiệp địa phương thì nên từ chối. Tuy nhiên, nếu nó mang lại những công nghệ mới mà nông dân cần, dự án trên có thể mang ý nghĩa tích cực. “Các quỹ đầu tư quốc gia có hàng tỷ USD, tại sao họ lại không có quyền đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp? Một số nước đang phát triển có tài nguyên đất đai phong phú nhưng lại thiếu kho chứa nông sản, thiếu đường bộ và đường sắt. Chính họ đang mong ngóng làn sóng đầu tư này để hiện đại hoá nền nông nghiệp, ví dụ như Kazakhstan sẵn sàng đất cho người nước ngoài trong thời hạn 10 năm”, ông lý lẽ.

 

Tuy nhiên, theo ông Gilles Mettetal, quan chức cấp cao của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, các phi vụ đầu tư đất cũng không ít rủi ro. Cần thận trọng khi đánh giá tác động của hiện tượng này trong dài hạn. Theo các chuyên gia, hiện tượng này dĩ nhiên ẩn chứa những nguy cơ như việc thu hồi đất canh tác nhưng cũng có không ít cơ hội. Thế giới đang cần tăng sản lượng nông nghiệp. Khả năng này có thể chỉ xảy ra tại những nước có năng suất còn thấp, thiếu vốn và công nghệ. Do vậy, nếu đàm phán tốt, cả người mua và kẻ bán đều có lợi.

 

Lê Việt