Rạn san hô Great Barrier Reef đang đứng trước nguy cơ bị bạc trắng (Nguồn: The Guardian) |
Giáo sư Terry Hughes của trường Đại học James Cook (Mỹ) cho biết, ông đã bay khảo sát trên 600km của rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef và nhận thấy khoảng hơn 60% diện tích san hô đã bị bạc màu. Theo ông, nguyên nhân là do những tác động của biến đổi khí hậu.
Giáo sư Terry Hughes cho biết, sau khi tiến hành khảo sát trên không khắp toàn bộ khu vực phía Bắc vùng rạn san hô này, ông thấy đây là “lần bạc màu tồi tệ nhất” từng xảy ra trong vùng san hô này mà ông từng thấy từ 1998 đến nay.
Ngay sau đó, Ban quản lý Công viên biển Great Barrier Reef đã nâng mức độ nguy hiểm của san hô bị bạc màu lên báo động cấp 3. Họ cho biết, "sự bạc màu nghiêm trọng" xảy ra ở vùng san hô phía Bắc công viên biển rộng 344.400km2 này.
Còn theo ông Hughes, chỉ còn 4 trong số 400 rạn san hô không bị bạc trắng. “San hô bị bạc màu khi chúng bị stress do chịu tác động của sự ấm lên của nước biển. Khi đó san hô "trục xuất" các loài tảo biển đầy màu sắc sống bên trong các lỗ nhỏ li ti của san hô, thứ làm cho san hô có màu sắc rực rỡ và cung cấp cho chúng hầu hết các năng lượng cần thiết. Nếu quá trình bạc màu này diễn ra lâu dài, các loài san hô sẽ chết và có nguy cơ bị các sinh vật khác - như rong biển, xâm chiếm” – nhà khoa học này cho biết.
Rạn san hô Great Barrier là hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới bao gồm khoảng chừng 3.000 tảng đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo, kéo dài khoảng 2.600 km, bao phủ một vùng có diện tích xấp xỉ 344.400 km2 nằm ở khu vực Biển San Hô, cách bờ biển Queensland về hướng Đông Bắc Australia.
Rạn san hô Great Barrier có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian và được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1981. CNN từng gọi nó là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Nó được coi là biểu tượng của bang Queensland.