📞

Săn tìm nền văn minh ngoài Trái Đất

08:15 | 19/12/2015
Theo các nhà khoa học, khả năng tồn tại người ngoài hành tinh là rất lớn và việc tìm ra họ trong vũ trụ bao la chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tàu thăm dò vũ trụ Voyager 1 với nhiệm vụ đi tìm những hành tinh có sự sống.

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học, việc nghiên cứu vũ trụ không còn là điều quá khó khăn. Ngày 3/3/1972 và 6/4/1973, Mỹ đã lần lượt phóng hai phi thuyền Pioneer 10 và 11 với nhiệm vụ tìm kiếm nền văn minh khác ngoài vũ trụ.

Lời chào thân thiện

Cả hai phi thuyền cùng mang thông điệp của loài người dành cho các sinh vật ngoài hành tinh. "Bức thư" này được làm từ một mảnh vàng phẳng với mặt trước là hình ảnh Mặt Trời cùng chín hành tinh trong Thái Dương hệ. Các nhà khoa học muốn gửi đến "họ" một thông điệp rằng Trái Đất nằm trong hệ Mặt Trời và mô tả vị trí của loài người trong dải ngân hà.

Mặt sau lá thư là hình một người đàn ông và một người đàn bà để giới thiệu cho người ngoài hành tinh về đặc điểm của người Trái Đất. Người đàn ông giơ tay chào thân thiện mang ý nghĩa chúng ta luôn hoan nghênh "họ" đến thăm.

Các nhà khoa học đã liên tục theo dõi mọi hoạt động của hai phi thuyền. Nhưng từ khi bay khỏi hệ Mặt Trời đến nay, chúng vẫn chưa thu được tín hiệu đáng mừng nào.

Tháng 8 và 9/1977, Mỹ lại phóng hai thiết bị thăm dò mang tên Voyager 1 và 2. Sau khi bay qua Mộc tinh, Thổ tinh, Thiên Vương và Hải Vương tinh, hai thiết bị này đã ra khỏi hệ Mặt Trời vào tháng 8 và 9/1989.

Voyager 1 mang theo một đĩa hát bằng vàng chứa 18 phút giới thiệu về Trái Đất và lời chúc mừng bằng 60 loại ngôn ngữ khác nhau. Đĩa còn có 12 phút ghi âm 35 loại âm thanh: tiếng mưa gió, núi lửa phun, máy móc đang hoạt động, trẻ sơ sinh khóc, tiếng hôn, tiếng các loài chim, thú, côn trùng, tiếng hít thở, tiếng tim đập...

Giới khoa học dự kiến "Pioneer" và "Voyager" sẽ phải trải qua khoảng 155 ngàn năm mới có thể đến các chòm sao khác. Cho dù "người ngoài hành tinh" nhận được đĩa hát này thì cũng phải 155 ngàn năm sau người Trái Đất mới nhận được "bức thư" hồi âm.

Những năm gần đây, loài người liên tiếp phát hiện nhiều hành tinh mới nhờ các kính thiên văn tiên tiến có khả năng nhìn xa hơn. Tháng 8/1998, các nhà thiên văn Mỹ tuyên bố đã phát hiện một hành tinh khác ở gần sao "Gliese 876", cách Mặt Trời 15 năm ánh sáng. Đây là hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời gần chúng ta nhất.

Theo Giáo sư Geoffrey Marcy ở Đại học San Francisco (Mỹ), dải ngân hà có đến 10.000 tỷ ngôi sao. Do đó, có thể suy đoán trong dải ngân hà có ít nhất vài trăm tỉ hành tinh. Vì thế, khả năng có sự tồn tại của các sinh vật ngoài Trái Đất là rất lớn.

Theo các nhà khoa học, vấn đề hiện nay không phải là liệu chúng ta có phát hiện ra các sinh vật hành tinh khác hay không mà là khi nào phát hiện ra họ.

Tìm kiếm "quả cầu Dyson"

Quan sát những bức ảnh Trái Đất vào ban đêm, người ta có thể thấy địa cầu dường như có khả năng tự tỏa sáng. Dựa vào đó, các nhà khoa học hy vọng có thể tìm kiếm những nền văn minh khác nhờ ánh sáng phát ra từ chúng.

Năm 1960, nhà toán học Mỹ Freeman Dyson là người đầu tiên đề xuất ý tưởng: Các nền văn minh ngoài Trái Đất có thể phát triển công nghệ bao quanh một ngôi sao để nạp năng lượng. Cấu trúc này được gọi là "quả cầu Dyson". Nếu những thiên thể này thực sự tồn tại, chúng ta có thể phát hiện nhiệt lượng do chúng thải ra bằng cách sử dụng kính thiên văn quan sát không gian bằng tia hồng ngoại.

"Điểm mấu chốt khi tìm kiếm những người ngoài hành tinh không muốn giao tiếp (với loài người) là họ chắc chắn phải tỏa ra nhiệt thải", ông Dyson nhận định.

Hiện nay, các nhà thiên văn học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đang bắt đầu nghiên cứu và tìm kiếm những “quả cầu Dyson”. Tuy nhiên, theo ông Dyson, công việc này có thể mất tới hàng trăm năm. Gần đây, Richard Carrigan, nhà khoa học đang làm việc tại phòng thí nghiệm Fermilab (Mỹ) đã sử dụng Vệ tinh thiên văn hồng ngoại (IRAS) để tìm kiếm.

Nhà vật lý thiên văn thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), Jason Wright, hiện đang nghiên cứu tương tự với kính viễn vọng không gian WISE của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ.

Nếu các nhà thiên văn học tìm thấy dấu hiệu của những “quả cầu Dyson” hoặc bất kỳ công nghệ ngoài hành tinh nào khác, nó sẽ kích hoạt những nỗ lực toàn cầu để quan sát chúng. Cuộc tìm kiếm có thể mang tới những khám phá vật lý mới mẻ và thú vị.

Trung Hiếu