Nhỏ Bình thường Lớn

“Sáng kiến châu Á mới” của Hàn Quốc: Nói dễ hơn làm

Kết thúc chuyến công du 8 ngày tới New Zealand, Australia và Indonesia, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak công bố một kế hoạch đầy tham vọng về một “Sáng kiến châu Á mới”, trong đó Seoul sẽ đóng vai trò tiên phong trong việc củng cố hợp tác khu vực để có thể cùng lúc phát triển kinh tế trong nước và đảm bảo thịnh vượng chung giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để kế hoạch tham vọng thành hiện thực, Hàn Quốc liệu đã có sự chuẩn bị kỹ càng cùng với các hành động cần thiết?
Tổng thống Lee Myung-bak: “Đã đến lúc chúng ta phải dành sự chú ý nhiều hơn cho châu Á...”.

Theo sáng kiến mới, Seoul sẽ đảm đương một vai trò then chốt trong việc đưa châu Á, và sau đó là cả thế giới, thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á để giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh và văn hóa khác.

 

Nhìn lại thời gian qua, chính sách ngoại giao của Hàn Quốc giới hạn chủ yếu trong phạm vi 4 nước lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga. Trong trong năm đầu tiên nhậm chức Tổng thống, ông Lee đã thăm đủ 4 nước lớn này, nhằm khôi phục quan hệ đồng minh truyền thống đang có trục trặc với Washington, rồi thúc đẩy quan hệ đối tác gần gũi hơn với Tokyo, Bắc Kinh và Mátxcơva. 

 

4 mục tiêu của “Sáng kiến Châu Á mới”

- Hàn Quốc sẽ mở rộng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và đầu tư, cũng như xây dựng vành đai tăng trưởng xanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng tài chính và biến đổi khí hậu.

 

- Hàn Quốc sẽ thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác phù hợp với các nước châu Á khác.

 

- Hàn Quốc sẽ chia sẻ kinh nghiệm phát triển với các nước láng giềng và tăng  ODA cho các nước đang phát triển khác tại châu Á.

 

- Hàn Quốc sẽ thành lập Diễn đàn châu Á để các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề quốc tế.

Sự đa dạng hóa các trọng tâm ngoại giao, chuyển từ các nước lớn sang các nước châu Á, thể hiện trong chuyến công du vừa qua của ông Lee, là một thay đổi tất yếu của Hàn Quốc. Châu Á hiện chiếm 52% dân số, 21% GDP và 26% giao dịch thương mại trên toàn thế giới. Khoảng một nửa giao dịch thương mại, đầu tư ra nước ngoài và viện trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc tập trung vào châu Á, và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng.

 

Cũng trong chuyến công du này, Tổng thống Lee còn thẳng thắn phát biểu: “Đã đến lúc chúng ta phải dành sự chú ý nhiều hơn cho châu Á với tầm quan trọng ngày càng tăng. Trung tâm thế giới đang chuyển từ phương Tây sang phương Đông, xu hướng này đang tăng tốc từng ngày”.

 

Trên thực tế, Hàn Quốc, với vị trí là nến kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 13 thế giới, có khả năng đóng vai trò cầu nối trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế và thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, “sáng kiến châu Á mới” sẽ không làm cho Hàn Quốc trở thành bạn của các nước châu Á trong chốc lát. Rõ ràng, ảnh hưởng và vị trí của Hàn Quốc trong khu vực không lớn bằng Trung Quốc và Nhật Bản. Còn quá sớm để nói đến thành công của sáng kiến này, một khi Seoul chưa giành được sự tin tưởng của các nước trong khu vực cũng như sự thể hiện được chính sách đối ngoại khôn khéo để có được sự ủng hộ của các nước lớn trong trong khu vực. Chính vì thế mà “Sáng kiến châu Á mới” cần phải là kế hoạch hành động, chứ không chỉ là lời lẽ khoa trương.           

 

Mai Anh