📞

Sáng nay Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ 4 nhóm nội dung

00:00 | 16/11/2017
Sáng 16/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Phiên họp được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát. 

Tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm nội dung

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn.

Thứ nhất về công tác quản lý thuế, hải quan, tăng cường quản lý nợ công an toàn hiệu quả. Thứ hai về việc điều hành chính sách tiền tệ; giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Thứ ba việc ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông. Thứ tư việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn trong quá trình diễn ra phiên họp khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình báo cáo làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo thông lệ kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ dành toàn bộ buổi chiều 18/11 để chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của Chính phủ để làm rõ hơn các nội dung chất vấn.

Để hoạt động chất vấn đạt kết quả, hiệu quả, tăng tính đối thoại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung thuộc nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, bảo đảm đúng thời gian quy định.

Các bộ trưởng, trưởng ngành khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn, trả lời thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, lộ trình, hướng khắc phục trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề đã hứa của bộ trưởng, trưởng ngành để làm cơ sở cho Chính phủ, bộ, ngành triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội và nhân dân theo dõi giám sát.

100% các kiến nghị đã được trả lời

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo nêu​ qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 3, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội.

Các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 100% các kiến nghị đã được trả lời.

Quốc hội tiếp nhận 139 kiến nghị (6,2%). Các kiến nghị cử tri về các hoạt động của Quốc hội đều được các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu tiếp thu.

Việc lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2017 về cải cách bộ máy hành chính, công tác quản lý các dự án BOT... là các vấn đề cử tri đang đặc biệt quan tâm, kết quả giám sát được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng góp phần nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Quốc hội.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát và thẩm tra các báo cáo, nhiều cơ quan của Quốc hội đã sử dụng kết quả kiểm toán để tham khảo, đối chiếu như Ủy ban Kinh tế sử dụng kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT trong giám sát về đầu tư, khai thác các công trình giao thông BOT; Uỷ ban Tư pháp sử dụng kết quả kiểm toán việc sử dụng biên chế tại 27 địa phương trong thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra công tác tổng hợp kiến nghị cử tri còn hạn chế nên có tới 1.695 kiến nghị được tập hợp (74,2%) khi gửi tới các bộ, ngành được trả lời bằng hình thức giải trình hoặc cung cấp thông tin về những vấn đề đã được pháp luật quy định, hoặc đã được trả lời tại những kỳ họp trước.

Công tác giám sát việc ban hành văn bản chưa được thường xuyên, có văn bản nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp, chưa bảo đảm tính thống nhất của pháp luật nhưng chưa được phát hiện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Các bộ, ngành nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp nhận 2.284 kiến nghị (92,9%). Trong đó 1.695 kiến nghị (74,2%) được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin cho cử tri thuộc lĩnh vực: lao động, việc làm, an sinh xã hội, giao thông vận tải, nông nghiệp, nông thôn, giáo dục và đào tạo...; 282 kiến nghị (12,4%) được giải quyết xong.

Hiện còn 307 kiến nghị (13,4%) của cử tri thành phố Hà Nội, Cần Thơ, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Long An đang được nghiên cứu giải quyết thuộc thẩm quyền các Bộ: Nội vụ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường...

Nội dung liên quan đến sửa đổi 109 văn bản pháp luật, trong đó có 40 văn bản được các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ thời gian ban hành ngay trong quý IV/2017, 7 văn bản trong quý I năm 2018 để cử tri theo dõi, giám sát.

Đây là điểm rất mới, được các bộ lần đầu tiên thực hiện, thể hiện nỗ lực của Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo.

Đối với 554 kiến nghị còn tồn đọng từ những kỳ họp trước, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 291 kiến nghị đạt 52,5% (gấp 4 lần so với kỳ trước). Đặc biệt, có kiến nghị qua 5 kỳ họp (từ năm 2014) như kiến nghị cử tri Đồng Tháp yêu cầu sửa đổi Nghị định 202 quy định về công tác quản lý phân bón, đến nay đã được Bộ Nông nghiệp và Pháp triển ​Nông thôn trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108 sửa đổi bổ sung góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn trong quản lý phân bón.

Đặc biệt, 25/7/2017 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 33 về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri do Quốc hội chuyển đến, xác định việc trả lời kiến nghị cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương. Đây là đề nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong suốt 5 năm qua.

Qua giám sát cho thấy, các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri; số lượng và chất lượng các kiến nghị được giải quyết có sự chuyển biến khá rõ rệt; có vấn đề cử tri nêu rất khó giải quyết, nhưng Chính phủ đã rất nỗ lực để tìm giải pháp, tạo đột phá đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Cụ thể vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã được triển khai từ lâu nhưng kết quả còn hạn chế, trong thời gian qua đã được chú trọng giải quyết nên cử tri rất đồng tình.

Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt kiểm tra việc cắt giảm các thủ tục hành chính, chấn chỉnh tình trạng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chồng chéo; đề ra mục tiêu phải cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục trước 30/6/2018, các bộ, ngành đều tích cực triển khai, điển hình Bộ Công Thương, đã cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh thuộc 27 nhóm ngành (chiếm 55,5%), được các chuyên gia đánh giá là bước tiến dài trong cải cách môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp...

Bên cạnh kết quả đạt được còn 570 kiến nghị cử tri các tỉnh Hòa Bình, Yên bái, Quảng Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, thành phố Hà Nội... chưa được giải quyết; 352/570 kiến nghị không nêu lộ trình và thời hạn giải quyết là chưa đúng quy định của pháp luật.

Nội dung các kiến nghị chưa được giải quyết thuộc các vấn đề như nạn chặt phá rừng; phân bón giả; tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; ô nhiễm môi trường; khai thác, quản lý tài nguyên, khoáng sản...

Một số kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp thực tiễn nên cử tri lại tiếp tục kiến nghị. Việc giải quyết kiến nghị cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập; các kiến nghị cử tri phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả...

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trả lời kiến nghị cử tri - tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương

Báo cáo đã đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội và Chính phủ. Đối với Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri đảm bảo rõ ràng, không trùng lặp; quan tâm giám sát việc ban hành văn bản, đặc biệt là các văn bản về quy định việc thực hiện các thủ tục hành chính, văn bản liên quan đến quyền con người ban hành trước Hiến pháp năm 2013...

Trong hoạt động giám sát tích cực sử dụng kết quả Kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Xây dựng kế hoạch kiểm toán, đề nghị Tổng kiểm toán quan tâm tới chương trình giám sát của Quốc hội, ý kiến cử tri và các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội quan tâm có nhận xét đánh giá về kết quả giải quyết khiếu nại cử tri đối với từng bộ trưởng, trưởng ngành, làm căn cứ phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế. Trong đó đặc biệt quan tâm, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hàng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính.

Tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay,” “phong bì” để giải quyết công việc.

Thủ tướng Chính phủ thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo Quyết định số 33, công khai cho cử tri và đại biểu Quốc hội biết để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân...

Ngay sau khi nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. 

(theo TTXVN)