📞

Sáu cách để bảo mật dữ liệu

16:11 | 19/09/2013
Mạng Internet đã thay đổi cuộc sống của chúng ta theo vô số cách tích cực nhưng nó cũng có không ít mặt tối. Các vụ đánh cắp dữ liệu cá nhân đã cho thấy nguy cơ bị xâm phạm thông tin là rất cao. Làm thế nào để người dùng Internet có thể bảo vệ dữ liệu cá nhân?
Ảnh minh họa

1. FastMail

Nguy cơ bị xâm nhập dữ liệu có thể rình rập ngay từ những email rác (spam) mà bạn nhận được và FastMail là dịch vụ xứng đáng để đầu tư. Dịch vụ này cho phép bạn chọn hàng tá tên miền cho địa chỉ email, thiết lập bí danh để bảo vệ địa chỉ email của bạn khỏi những kẻ phát tán thư rác và nhiều tính năng khác. Từ việc tìm kiếm email cũ đến việc truy cập sổ địa chỉ, FastMail đều thực hiện nhanh và thông minh. Sự quan tâm đến vấn đề bảo mật của FastMail đáng khen ngợi: nếu bạn chọn mật khẩu dễ đoán, dịch vụ này khuyến cáo bạn chọn mật khẩu khác an toàn hơn và cung cấp 4 kiểu tài khoản giúp lưu trữ, lọc virus, tin nhắn spam…

2. Mã hóa

Việc thiết lập mật khẩu cho tập tin hoặc thư mục là cách an toàn nhất cho việc mã hóa và bảo vệ dữ liệu. Có khá nhiều cách để mã hóa dữ liệu như dùng phần mềm 7-ZIP để tạo các tập tin nén ngay trong giao diện phần mềm hay từ lệnh trong menu chuột phải của Windows Explorer với thiết lập mật khẩu để mã hóa. Các gói phần mềm văn phòng Microsoft Office của Microsoft cũng cung cấp thêm cho người dùng tính năng này. Một lựa chọn khác là TrueCrypt được phát hành bởi công ty TrueCrypt Foundation. Với những ưu điểm là phần mềm hoàn toàn miễn phí, mã nguồn mở, bạn có thể tạo ổ đĩa ảo được mã hóa hoặc mã hóa toàn bộ đĩa cứng của mình (bao gồm cả ổ cài đặt Windows).

3. Trình duyệt web

Đây có lẽ là công việc mà người dùng Internet hay làm nhất. Hãy đảm bảo việc truy cập các trang web của bạn đang được bảo mật một cách an toàn nhất khỏi các hành động theo dõi hoạt động trực tuyến để xâm nhập máy chủ và đánh cắp thông tin quan trọng của người dùng. Một phần mềm được khuyên sử dụng đó chính là Tor. Đây là một ứng dụng được thiết kế để tăng cường tính nặc danh cho các hoạt động của bạn trên Internet. Chương trình giúp bạn ngụy trang tránh sự theo dõi hoạt động trên mạng. Tor cũng có thể được sử dụng để vượt qua các bộ lọc chặn Internet.

4. Dịch vụ đám mây

Thông điệp sau những tiết lộ của Snowden chính là bạn nên tránh tất cả các dịch vụ điện toán đám mây (Dropbox, iCloud, Evernote...) có trụ sở tại Mỹ, Anh , Pháp và trong tầm ngắm của Cơ quan An ninh Mỹ NSA - mới được gán cái tên "kẻ rình mò". Bất cứ thông tin nào được lưu trữ trên hệ thống đều có khả năng bị nhòm ngó và truy cập bởi một người khác. Và nếu bạn phải giao phó dữ liệu cho những hệ thống này, hãy chắc chắn rằng chúng đã được mã hóa.

5. Mạng xã hội

Các mạng xã hội như Facebook, Twitter… có số lượng người sử dụng lên tới hàng tỷ người với khả năng chia sẻ thông tin vô cùng lớn. Nếu bạn không muốn thấy một ngày nào đó, các thông tin cá nhân và tiểu sử của mình xuất hiện ở những nơi không mong muốn thì hãy chuyển tất cả những dữ liệu này từ chế độ công khai (public) sang chế độ cá nhân (private).

6. Các thiết bị mạng không dây

Khả năng liên lạc không dây đã gần như tất yếu trong các thiết bị cầm tay (PDA), máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị số khác. Tuy nhiên, sự tiện lợi của mạng không dây cũng đặt ra thử thách lớn về bảo mật đường truyền cho các nhà quản trị mạng. Khi kết nối Bluetooth với một thiết bị khác hay sử dụng wifi ở nơi công cộng, hãy cảnh giác bởi những điểm kết nối đó có thể được trang bị khả năng sao chép dữ liệu từ thiết bị của bạn.

Đoàn Ngọc (tổng hợp)