TIN LIÊN QUAN | |
Những cuộc chiến thương mại trong quá khứ | |
Căng thẳng tại Syria chi phối giá dầu |
Những biện pháp bảo hộ được áp dụng gần đây theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều nước.
Xói mòn niềm tin toàn cầu
Hiện tại, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn là cơ quan quan trọng để giải quyết các tranh chấp, nhưng không thể đảm bảo điều kiện thương mại công bằng đối với tất cả các thành viên. Trong trường hợp này, các nước vẫn phải dựa vào chính mình, và vị thế của Nga trong tình hình này rất dễ bị tổn thương. Đây là kết luận tại buổi tọa đàm chuyên gia với chủ đề “Chiến tranh thương mại thế giới: Điều gì chờ đợi chúng ta?” diễn ra tại Câu lạc bộ Chính trị Valdai ngày 12/4.
Theo bà Daria Davydova - Vụ đàm phán thương mại, Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga, kể từ năm 2006, vấn đề về bảo hộ là một trong những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của WTO. Theo báo cáo năm 2016, các quốc gia thành viên của tổ chức này đã áp dụng hơn 3.000 biện pháp bảo hộ và chỉ dưới 1/3 trong số đó đã được gỡ bỏ. Bà Daria cho biết, Mỹ đang đi đầu phong trào ủng hộ bảo hộ. Các biện pháp mà Mỹ thực hiện, đặc biệt là tăng thuế thép và nhôm, là vượt ra ngoài khuôn khổ của WTO. Bà Daria khẳng định: “Nếu tất cả các quốc gia đều hiểu rằng họ có thể áp dụng các biện pháp đó thì chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng”.
Giáo sư kinh tế Simon Eventen (Đại học Tổng hợp St-Gallen) cũng tham gia cuộc thảo luận trên thông qua video trực tuyến, cho rằng niềm tin toàn cầu vào WTO đã bị xói mòn. Nhiều nước lớn không muốn tuân thủ các quy định của WTO. Theo ông Eventen, Mỹ sẽ không rời khỏi tổ chức này, nhưng không mong đợi nước này sẽ đóng vai trò trong việc đưa ra các giải pháp. Ông Eventen cho rằng, điểm đặc biệt trong năm vừa qua chính là giai đoạn chuyển đổi từ chủ nghĩa bảo hộ bí mật sang minh bạch.
Trước năm 2018, nhiều nước đã làm méo mó cấu trúc thương mại thế giới để đảm bảo lợi ích của họ, nhưng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào giống như Washington đang làm hiện nay. Năm ngoái, ưu tiên chính của ông Trump là cải cách thuế. Sau khi đạt được mục tiêu này, ông Trump bắt tay vào thực hiện chương trình bảo hộ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã bắt tay vào thực hiện các chương trình bảo hộ thương mại. (Nguồn: Steemit) |
Tiếp theo sẽ là chiến tranh tiền tệ
Aleksandr Losev - Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ Sputnik cho rằng sau các cuộc chiến tranh thương mại sẽ là các cuộc chiến tiền tệ. Theo ông Losev, điều này rất dễ “đẩy thế giới vào tình trạng hỗn loạn, nhưng sau đó sẽ khôi phục sự cân bằng”. Ông Losev nhắc lại rằng Trung Quốc đang xem xét hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) như là vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại.
Về phần mình, Trump - người vận động cho đồng USD mạnh trong chiến dịch bầu cử tổng thống của ông - cũng đã bắt đầu làm suy yếu đồng tiền này kể từ khi lên nắm quyền. Ông Losev nhấn mạnh: “Mỹ là nước điều khiển tiền tệ chính. Tuy nhiên, điều đó sẽ kéo dài bao lâu thì hiện vẫn chưa rõ. Vấn đề ở chỗ chúng ta hiện đang chứng kiến sự đảo chiều của chu kỳ tín dụng và việc tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ diễn ra vào tháng Chín tới sẽ là 'một cơn thịnh nộ' đối với nhiều thị trường tiền tệ”. Chúng ta đang ở trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tương tự cuộc khủng hoảng châu Á hồi năm 1997.
Nga chuẩn bị sẵn phương án phòng vệ
Trong tình hình này, vị thế của Nga đang vô cùng dễ bị tổn thương. Các biện pháp mà Mỹ áp dụng để bảo vệ các nhà sản xuất của nước này đã tác động tới các sản phẩm xuất khẩu của Nga. Giám đốc Viện nghiên cứu cạnh tranh toàn Nga Andrey Spaktak nhắc lại rằng, năm 2017, Nga đã bán thép cho Mỹ với trị giá khoảng 650 triệu USD và nhôm với trị giá khoảng 2 tỷ USD. Về mặt hàng nhôm, Mỹ là thị trường rất có ý nghĩa đối với Nga, chiếm tới khoảng 30% xuất khẩu của Nga. Trong khi đó, phát triển xuất khẩu là một trong những động lực chính của nền kinh tế Nga hiện nay. Các biện pháp hạn chế của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đối với sự phát triển của Nga.
Các chuyên gia cho rằng, rõ ràng, với cơ cấu hiện tại của nền kinh tế Nga, việc tham gia chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc. Để thoát khỏi tình hình hiện nay, các chuyên gia đã đưa ra các cách giải quyết như sau:
Thứ nhất, tăng sự sáng tạo của nền kinh tế. Đặt trọng tâm vào phát triển trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, số hóa và người máy hóa, đòi hỏi sự đầu tư về khoa học. Phục hồi bộ ba yếu tố “khoa học cơ bản - khoa học ứng dụng - đào tạo nhân lực”.
Thứ hai, tạo các điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cả trong dây chuyền sản xuất của các công ty lớn theo định hướng xuất khẩu.
Thứ ba, sử dụng các cụm công nghiệp quân sự như động lực cho sự phát triển của công nghệ và tạo việc làm trong các ngành liên quan.
Các đại biểu tham gia thảo luận hy vọng vào các hiệp định thương mại tự do với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Iran, sự kết nối giữa Liên minh kinh tế Á - Âu với sáng kiến Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, cũng như tăng cường xây dựng Hành lang vận tải Bắc - Nam. Cuối cùng, theo họ, các lĩnh vực mà Nga có những thành tựu nhất định như lĩnh vực trí tuệ hóa hệ thống giao thông cũng như "xuất khẩu an ninh" cũng có thể tạo nên những vị thế mới trong nền kinh tế thế giới.
Fed cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ thụt lùi do chiến tranh thương mại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 11/4 cảnh báo viễn cảnh chiến tranh thương mại sẽ gây ra "những rủi ro suy giảm" ... |
Ông Tập “xuống nước” chiều ý ông Trump Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao sáng nay (10/4), Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ bước ... |
EU "mông lung" bên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Với vết nứt đầu tiên dần hình thành trong hệ thống thương mại toàn cầu sau khi Washington và Bắc Kinh liên tục “ăn miếng ... |