📞

Tín hiệu về cuộc hòa đàm Việt Nam

13:39 | 28/12/2012
Trước và ngay cả trong khi Hội nghị Paris đang diễn ra, có nhiều quốc gia và nhân vật nổi tiếng như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant, Giáo Hoàng…đã cố gắng làm trung gian giữa Mỹ và Việt Nam. Raymond Aubrac, một người bạn thân thiết của Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã dành nhiều trang trong cuốn hồi ký "Nơi ký ức dừng chân" để viết về chuyến đi Việt Nam năm 1967 với vai trò một "nhà trung gian". Được sự đồng ý của nhà báo Đào Hùng, Tạp chí Xưa và Nay, Báo TG&VN xin trích đăng một phần bản dịch về chuyến đi này. (Kỳ 1)
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với ông Raymond Aubrac (người đầu tiên bên trái) tại nhà ông Aubrac ở Pháp năm 1946.

... Ngày 21/7/1967, lúc 4 giờ sáng, một người của Đại sứ quán Việt Nam đến gõ cửa phòng, thông báo chúng tôi được cấp visa vào Việt Nam... Chúng tôi mua vé với giá khá đắt. Hồi đó, đường bay do một công ty tư nhân khai thác, chỉ có một cổ đông duy nhất là Sylvain Floirat, một nhà công nghiệp Pháp. Lúc đầu, đường bay được trang bị 6 chiếc máy bay Boeing sản xuất từ năm 1942, nay chỉ còn 3 chiếc. Một năm trước, một chiếc đã mất tích không để lại dấu vết.

Sau khi ghé Viêng Chăn lúc nửa đêm, chỉ còn lại hai sỹ quan Ấn Độ trên máy bay, Herbert và tôi. Trong khoang máy bay không có điều áp, bay rất cao trên hành lang được các bên tham chiến tôn trọng. Nhìn thấy tên tôi trên danh sách hành khách, một cô tiếp viên đến hỏi tôi có phải là ông Aubrac… Tôi lấy làm hãnh diện vì điều này.

Khi hạ cánh, sân bay Hà Nội chìm trong bóng đêm. Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng và được mời uống trà. Hai tiếng sau, một chiếc xe hơi đưa chúng tôi đến khách sạn Thống Nhất, trước đây gọi là Métropole, sau khi len lỏi qua cầu Long Biên, (cầu Doumer cũ), giữa một đoàn xe tải, xe bò và xe đạp đi lại tấp nập.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đón chúng tôi ở khách sạn và sau đó hướng dẫn chúng tôi suốt chuyến thăm. Chúng tôi nói với ông Thạch muốn được đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Bác sĩ Thạch rất vui vì được gặp Herbert và tôi. Ông Thạch là một người sâu sắc, hiểu biết và rất tinh tế trong ứng xử. Ông Thạch có nhiều bạn bè ở Pháp và là người nổi tiếng ở Việt Nam. Giữa muôn vàn khó khăn không thể tưởng tượng nổi, ông Thạch đã tổ chức được mạng lưới y tế cho quân đội và nhân dân Việt Nam.

Ông Thạch đã vạch ra cho chúng tôi một chương trình dày đặc. Chúng tôi đi thăm khu công nghiệp ngoại vi Hà Nội và các khu dân cư, một phần đã bị san phẳng. Một buổi tối, ông Thạch đến tìm chúng tôi để đi thăm việc sửa chữa một khúc đê sông Hồng bị bom Mỹ, cách Hà Nội chừng 15 cây số.

Tối hôm đó, tôi được chứng kiến một câu chuyện đã để lại trong tôi những ấn tượng mạnh. Sau khi đi bộ qua dòng người gồm đàn bà và trẻ em gánh trên vai hai sọt đất để đổ vào những hố sâu, chúng tôi quay trở lại chiếc xe Jeep Liên Xô để về thành phố. Bác sĩ Thạch ngồi cạnh người lái xe. Herbert và tôi ngồi sau Chiếc xe đi từ từ qua đám đông...

Đến một chỗ dừng, bác sĩ Thạch túm lấy tay một chú bé đang nhìn chúng tôi. Chú bé khoảng 11 hay 12 tuổi. Bác sĩ hỏi: “Cháu ở làng nào tới?”. Không có tiếng trả lời. Ông lại hỏi tiếp. Chú bé đáp: “Cháu không muốn nói. – Nhưng bác là bác sĩ Thạch. – Cháu biết, đứa bé trả lời, cháu nhận ra bác. Nhưng hai người kia, ngồi đằng sau, cháu không biết họ”.

Người ta đưa chúng tôi đi thăm nhiều bệnh viện. Bác sĩ Thạch muốn chỉ cho người đồng nghiệp Pháp biết họ đã làm việc trong điều kiện như thế nào. Bác sĩ Marcovitch nhận thấy trong phòng mổ một số dụng cụ giải phẫu được làm bằng tre. Người ta cho ông một cái kẹp tre mà ông đã đem về Pháp và được chuyền tay nhau trong bạn bè, trong số đó có cả ông Kissinger.

Trong một bệnh viện người ta đưa chúng tôi đến, họ điều trị những người bị thương vì bom bi. Phát minh ma quỷ đó là một khối tròn rỗng to bằng quả bóng quần vợt. Vỏ của nó rất dày, bằng thép, có cánh nhỏ làm cho quả cầu quay tròn: giữa quả cầu là thuốc nổ sẽ làm quả cầu vỡ thành mảnh và bắn đi xa. Nhưng sự can thiệp của quỷ dữ là gắn trong lần vỏ thép đó những hòn bi bằng chất dẻo rất cứng để xuyên vào người mà không phát hiện được bằng chụp x-quang. Khi chúng tôi đưa cho ông Kissinger xem thứ vũ khí được tính toán một cách hoàn hảo như vậy của Mỹ, ông ta cũng có vẻ rất kinh hoàng, giống như chúng tôi.

Trong một lần khác thăm Hà Nội, còi rú lên inh ỏi báo tin có máy bay. Hầm trú ẩn là những cái ống bằng bê tông, đường kính chừng 1 mét và cao 1,5 mét, cắm xuống vỉa hè sâu dưới đất hai phần ba chiều cao. Mọi người dừng xe đạp lại cạnh vỉa hè, chống bàn đạp xe lên bờ hè rồi bình thản tìm cái hố gần nhất còn trống. Mọi người đều đứng, nói đùa với người bên cạnh. Những cái loa hướng dẫn (người ta dịch cho chúng tôi) cho biết máy bay địch đến từ phía Đông. Chúng cách 30 cây số, rồi 20 cây số.... “Hãy nấp đi”, loa kêu gọi. Tất cả ngồi xổm xuống trong khi nghe thấy có tiếng nổ phía xa. Mười phút sau loa loan tin hết báo động và những chiếc xe đạp lại đi. Tất cả đều diễn ra trong không khí hoàn toàn bình thản và nụ cười…

Trong bốn ngày đó ở Hà Nội, người ta cho chúng tôi xem tất cả những gì có thể giúp chúng tôi hiểu được cuộc chiến tranh của Việt Nam và những điều liên quan đến chuyên môn nghề nghiệp của mình: y tế đối với Herbert, nông nghiệp đối với tôi.

Chúng tôi đến thăm bảo tàng về các cuộc chiến tranh mà đất nước này phải trải qua với Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Người ta cho xem triển lãm máy bay Mỹ bị bắn rơi. Họ cho chúng tôi những cái nhẫn làm từ vỏ “máy bay thứ hai nghìn”. Chúng tôi gặp Chủ tịch Ủy ban tội ác chiến tranh, đại tá Hà Văn Lâu, Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Tính, Giám đốc Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Y tế Nguyễn Văn Trong, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh viện Saint-Paul, bác sĩ Phúc, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Phạm My, Trưởng Phòng Khoa học kỹ thuật Bộ Nông nghiệp Hồ Sĩ Phấn, Giám đốc Tạp chí Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Trịnh Văn Thịnh... Chúng tôi đến thăm xã giao tùy viên văn hóa của Tổng đại diện Pháp, Charles-Louis Le Guern.

Nhưng ba thời khắc quan trọng của chuyến đi của chúng tôi là lần được đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh và được tiếp xúc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Ông Raymond Aubrac (31/7/1914 - 10/4/2012) - anh hùng kháng chiến của nước Pháp, người bạn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Năm 1946, ông Aubrac gặp Bác Hồ lần đầu tiên, khi Bác dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán. Sớm có thiện cảm với nhau, Bác Hồ đã chuyển đến ở nhà ông Aubrac ở Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô Paris. Trong thời gian sinh hoạt cùng gia đình Aubrac, Bác còn trở thành cha đỡ đầu của Babette, người con gái mới sinh của ông Aubrac.

Ghi nhận những công lao của ông với cách mạng Việt Nam, ngày 25/9/2012 tại Phủ chủ tịch, thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Raymond Aubrac. Bà Elizabeth Aubrac con gái ông đã thay mặt gia đình nhận phần thưởng cao quý này.

Đào Hùng (dịch)(Còn nữa)

Xem toàn văn trên Xưa&Nay số 93 và 94 (tháng 6/2001)