📞

Sau những giải thể thao hoành tráng là gì?

18:00 | 10/06/2016
Đăng cai Olympic, World Cup hay Euro... thường được kỳ vọng là cú hích lớn cho nền kinh tế nước chủ nhà, nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy.

Sau những bữa tiệc thể thao, những gì còn lại trên bàn tiệc thường là gánh nặng quốc gia với những khoản nợ khổng lồ. Người ta thống kê được, trong 20 năm qua, chỉ duy nhất người Mỹ thắng lợi sau khi tổ chức thành công Thế vận hội Atlanta 1996. Câu chuyện nợ nần đằng sau những giải thể thao lớn không hề hiếm, trong đó, không thể không kể đến hai quốc gia hiện vẫn còn đang “đắm chìm” trong những món nợ là Hy Lạp và Brazil.

Năm 2004, để tổ chức một Olympic Athens hoành tráng, Hy Lạp đã phải bỏ ra 9 tỷ Euro (tương đương 11 tỷ USD), gần gấp đôi chi phí dự kiến ban đầu. Đúng 10 năm sau, Brazil đăng cai World Cup với khoản đầu tư 3,6 tỷ USD để xây dựng các sân vận động đúng chuẩn và 3 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng phục vụ giải đấu. Tổng chi phí cho sự kiện lên tới 11 tỷ USD, khiến World Cup 2014 trở thành giải bóng đá thế giới đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Khó lòng phủ nhận rằng, các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh của quốc gia chủ nhà. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm cơn “đau đầu vì tiền” trở nên dễ chịu hơn. Olympic Athens 2004 khiến Hy Lạp bộc lộ rõ điểm yếu trong vấn đề kiểm soát chi tiêu công, đưa nước này trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất  - nợ nần đeo bám đến tận bây giờ.

Theo Bloomberg, kết thúc Olympic 2004, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đã lên đến 6,1% GDP, gấp đôi giới hạn của Eurozone trong khi nợ công là 110,6% GDP - mức cao nhất ở EU. Hy Lạp trở thành nước EU đầu tiên bị Ủy ban châu Âu (EC) giám sát tài chính vào năm 2005, chỉ vài tháng sau khi Thế vận hội kết thúc.

Ở một khía cạnh khác, sau World Cup Brazil 2014 hay Olympic Athens 2004, người ta nhận thấy rõ sự lãng phí khi bỏ tiền xây các sân vận động rồi sau đó phủ bụi, thậm chí nhiều công trình chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn. Tuy nhiên, có người cho rằng, mọi thứ có thể đã không như vậy, “nếu Brazil chỉ tổ chức một kỳ World Cup theo phong cách Brazil, chứ không như Đức hay Nhật Bản”.

Tuy nhiên, dù nói gì, các nước vẫn đang thi nhau giành quyền đăng cai World Cup, Olympic hay Euro, bất chấp ranh giới giữa “cú hích” phát triển kinh tế và gánh nặng nợ nần còn rất mong manh.