Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói, Trung Quốc cần thẳng thắn với các cam kết của mình và những gì mà họ đang tìm cách đạt được ở Nam Thái Bình Dương. (Nguồn: AAP) |
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, ông Vương Nghị cũng sẽ thăm Liên bang Micronesia, cũng như gặp gỡ các thủ tướng và ngoại trưởng của Quần đảo Cook và Niue qua video.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc sẽ chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc-các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ 2 tại Fiji.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và quần đảo Solomon vừa ký kết một thỏa thuận an ninh, vốn làm dấy lên lo ngại của Australia, New Zealand và Mỹ về việc gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Trước thông báo của Trung Quốc, Thủ tướng Jacinda Ardern lên tiếng hối thúc Bắc Kinh tăng cường tính minh bạch về chuyến công tác này của ông Vương Nghị.
Phát biểu khi đang có chuyến thăm tới thành phố New York, Mỹ, bà Ardern nói, việc Trung Quốc tham gia vào một “khu vực tranh chấp” ở Thái Bình Dương không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng Bắc Kinh cần thẳng thắn với các cam kết của mình và những gì mà họ đang tìm cách đạt được ở khu vực này.
Thủ tướng New Zealand khẳng định sẽ theo đuổi các giá trị của sự minh bạch, cởi mở, hòa bình và ổn định, đồng thời nhấn mạnh, Wellington sẽ giữ quan điểm nhất quán trong các vấn đề khu vực, bất kể có sự tham gia của quốc gia nào bên ngoài, cũng như sự tương tác của quốc gia đó đối với các thành viên trong khu vực.
Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, bà Ardern cho biết, “rất lo ngại” thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon sẽ dẫn đến sự gia tăng quân sự hóa trong khu vực.
New Zealand tin rằng, với việc ký kết cùng Trung Quốc, quần đảo Solomon đã phá vỡ tuyên bố Biketawa, một thỏa thuận được ký kết bởi các thành viên Diễn đàn Các quốc đảo Thái Bình Dương, vốn đặt ra sự kỳ vọng rằng những quốc gia trong cùng khu vực sẽ cùng nhau bảo vệ an ninh của chính họ với tư cách một khối.
Bà Ardern bày tỏ sự quan tâm và đầu tư vào Thái Bình Dương từ các siêu cường là điều đáng hoan nghênh, nhưng cần duy trì một ranh giới rõ ràng về các hoạt động quân sự hóa ở khu vực kém phát triển, nơi mà các nhu cầu khác đang cấp bách hơn.
New Zealand và các quốc gia trong khu vực không muốn quân sự hóa và leo thang căng thẳng. Điều mà họ mong muốn là hòa bình, ổn định và sẽ luôn giữ vững những giá trị đó.
| Tin thế giới 23/5: Nga ra điều kiện với Ukraine; EU 'than thở' kho vũ khí cạn kiệt vì Kiev; Mỹ khiến Trung Quốc 'nóng mặt' Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Thủ tướng Australia tuyên thệ, tình hình Trung Đông và Bán đảo Triều Tiên... ... |
| Vụ phóng thử tên lửa Triều Tiên: Quan chức an ninh Mỹ-Hàn trao đổi gấp, quyết tác động lên Hội đồng Bảo an Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã liên tục điện đàm cho nhau liên quan vụ Triều Tiên vừa phóng 3 tên lửa đạn ... |