📞

SCO có hợp tác với NATO?

15:09 | 13/04/2009
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là tổ chức quốc tế chiếm hơn một nửa dân số thế giới, một số nước thành viên còn sở hữu vũ khí hạt nhân, rất nhiều nước trong đó là những nhà cung cấp năng lượng lớn, và có sự tham gia của những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Dushanbe, Tajikistan (tháng 8/2008)
 

Lợi ích khác biệt

 

Hiện tại, các thành viên chính thức của SCO gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Trong đó, Nga và Trung Quốc đóng vai trò chính. Bên cạnh đó, tổ chức này có các nước quan sát viên là Mông Cổ, Iran, Pakistan và Ấn Độ.

 

Kể từ khi thành lập, những động thái quân sự của SCO ngày càng trở nên đầy tham vọng, bắt nguồn từ hợp tác song phương đến liên kết toàn khối. SCO mới đây cũng bắt đầu phối hợp đấu tranh chống nạn buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức.

 

Tuy nhiên, đến nay, các thành viên của SCO vẫn chỉ đối thoại song phương về các vấn đề năng lượng. Để hợp tác trong các vấn đề năng lượng và củng cố an ninh năng lượng, tổ chức này đã thiết lập một câu lạc bộ tập hợp các quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng, các quốc gia trung chuyển và các công ty tư nhân vào năm ngoái. Khối SCO cũng thúc đẩy mậu dịch tự do và hướng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết như đường bộ và đường sắt để liên kết các thành viên của tổ chức này, đồng thời thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia và đảm bảo hài hòa hệ thống thuế quan.

 

Hợp tác trong SCO vẫn chưa tập trung vào những mục tiêu cụ thể, bởi lợi ích giữa các thành viên còn quá khác biệt. Một ví dụ là Trung Quốc hiện đang tìm kiếm thị trường cho hàng hóa và các nguồn năng lượng mới, trong khi Nga muốn phát huy ảnh hưởng trong khối SCO như một đối trọng với phương Tây. Các thành viên còn lại thì muốn tăng cường mức độ hợp tác kinh tế giữa họ và phương Tây.

 

Phiên bản khác của NATO?

 

Những mục tiêu xa rời nhau đã khiến người ta khó mà tin vào một tổ chức SCO có thể tiến triển mạnh như khối NATO của phương Tây. Sự thật là các thành viên đang tổ chức những cuộc diễn tập quân sự chung và đã bày tỏ mong muốn xây dựng SCO trở thành một tổ chức an ninh lớn mạnh. Nhưng tổ chức này vẫn còn thiếu những thành tố cần thiết để phát triển đầy đủ theo kiểu của NATO.

 

SCO không có khối quân sự - chính trị hợp nhất, và không có cơ quan điều hành đầu não thường trực. Khối này cũng không có lực lượng phản ứng nhanh và không có sự ràng buộc. Trọng tâm của NATO là các hiểm họa an ninh từ bên ngoài, trong khi mục tiêu vấn đề an ninh của các thành viên SCO lại quanh quẩn trong lãnh thổ của họ. Việc Liên minh châu Âu (EU) tìm kiếm hợp tác với SCO chỉ được cho là có mục đích phòng trước việc khối SCO không trở thành một khối quân sự thống nhất.

 

Những điều trên có vẻ như những lý do tiêu cực trong quan hệ EU và SCO, nhưng đó cũng là những lý do khá tích cực để thúc đẩy hợp tác. Châu Âu cần nguồn cung cấp năng lượng từ Trung Á, và Trung Á cần nguồn đầu tư từ châu Âu.

 

Một nhân tố khác, vốn mang nhiều lợi ích đan xen đối với EU và SCO, đó là Afghanistan. Hiện tại, EU đang cung cấp nguồn hỗ trợ tài chính cho Chính phủ Afghanistan và giúp đào tạo cảnh sát và tư pháp. Khối SCO cũng thiết lập nhóm liên lạc với Afghanistan. Hai bên đều muốn làm được nhiều việc, và họ nên tạo ảnh hưởng từ việc hợp tác với nhau hơn là độc lập. EU có tài chính, còn SCO, với những quốc gia thành viên cùng biên giới với Afghanistan, đã đào tạo nhân lực và có những kinh nghiệm trực tiếp trong khu vực.

 

Hợp tác với NATO có thể là một chiến lược khôn ngoan. Xét về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, về cả các vấn đề quân sự và kinh tế, về mối quan hệ thương mại và năng lượng giữa Trung Á với phương Tây, và ý nghĩa của an ninh vùng Trung Á trong chiến lược của phương Tây, thì hợp tác giữa SCO, EU và NATO là chắc chắn có. Điều này đúng hơn hết trong quan điểm về các nguy cơ an ninh chung mà NATO và SCO phải đối mặt ở Trung Á, như nhóm lực lượng khủng bố Al-Qaeda, Taliban và buôn bán vận chuyển ma túy.

 

Nhưng cả NATO và SCO đều còn do dự trong việc liên kết hợp tác ở mức độ cao. Sau sự kiện 11/9, NATO nhận thấy các nguy cơ phải được giải quyết ở phạm vi toàn thế giới, điều này cũng giải thích cho sự có mặt của khối này tại Afghanistan. Như là một phần trong chiến lược toàn cầu, NATO đã củng cố các quan hệ của khối với liên minh ở khắp nơi, bao gồm ở Đông Nam Á, nơi mà SCO có vai trò hàng đầu.

 

Khối SCO, với Nga và Trung Quốc là những quốc gia chủ chốt, vẫn ngờ vực về sự có mặt ngày càng nhiều của NATO trong khu vực. Nếu NATO còn do dự trong đối thoại với SCO, những thái độ cẩn trọng như vậy vẫn cứ tiếp tục dai dẳng. Do đó, cần thiết nên có những sự tính toán cân nhắc trong việc thiết lập hội đồng NATO – Trung Quốc, bên cạnh hội đồng NATO – Nga, và sắp xếp tạo điều kiện cho hợp tác lớn hơn trong toàn khối SCO.

 

Những hợp tác như vậy cũng có vai trò nhất định với việc san lấp các khác biệt giữa các nước thành viên SCO và các quốc gia phương Tây một số vấn đề quốc tế. Hợp tác cần có sự nhượng bộ hơn là những chính sách phát triển chung đơn thuần, và nên có sự theo đuổi thực tế những dự án quy mô nhỏ và có lợi ích qua lại.

 

NATO và SCO cũng nên cùng làm việc về vấn đề tháo gỡ mìn ở Afghanistan, và các kiểu biện pháp xây dựng niềm tin như tập trận chung, hợp tác chống buôn bán ma túy. Nếu hợp tác an ninh là một thành công, vấn đề nhạy cảm chính trị sẽ được giảm bớt, mà thay vào đó là sự ưu tiên hơn cho các vấn đề thực tế và các biện pháp cụ thể.

 

Vĩnh Tiến(theo Syndicate Project)