📞

SCO ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề nóng bỏng

15:52 | 16/09/2013
Ngày 13/9, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 13 diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan đã thông qua Tuyên bố Bishkek.

Phát biểu sau phiên bế mạc, Tổng thống nước chủ nhà Almazbek Atambaev nhấn mạnh Tuyên bố Bishkek đã thể hiện tầm nhìn của SCO về tình hình khu vực và thế giới, trong đó có những vấn đề nóng bỏng nhất. Theo ông Atambaev, lãnh đạo 6 quốc gia thành viên nhất trí phối hợp với nhau trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và ly khai, cũng như buôn bán ma túy, sử dụng vũ khí bất hợp pháp và tội phạm mạng...

Tuyên bố Bishkek nêu rõ các quốc gia thành viên SCO khuyến khích xây dựng không gian thông tin cởi mở, bình đẳng, an toàn và hòa bình dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. SCO sẽ phối hợp với nhau để đối phó với hành vi sử dụng công nghệ thông tin hòng phá hoại an ninh chính trị, kinh tế và xã hội của các nước thành viên; ngăn chặn việc sử dụng mạng Internet toàn cầu tuyên truyền tư tưởng chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và ly khai; ủng hộ soạn thảo những quy định, nguyên tắc và chuẩn mực chung về hành vi có trách nhiệm của các quốc gia trong không gian thông tin.

Lãnh đạo SCO cũng thông qua quyết định hiện đại hóa nền kinh tế quốc gia với sự trợ giúp từ Quỹ Phát triển và Ngân hàng Phát triển, được thành lập trong khuôn khổ SCO. Các nước thành viên cũng sẽ tích cực hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ, thể thao, du lịch và môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch...

Đề cập những vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng, Tuyên bố Bishkek nhấn mạnh SCO bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có Syria, và ủng hộ đạt được hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tiến bộ trong khu vực mà không cần đến các hành động can thiệp bất hợp pháp từ bên ngoài, trong đó có can thiệp quân sự.

Văn kiện nhấn mạnh SCO mong muốn người dân Syria nhanh chóng chấm dứt xung đột bạo lực, tiến hành đối thoại chính trị giữa chính quyền và phe đối lập. SCO cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực triệu tập hội nghị quốc tế về Syria nhằm đặt nền tảng cho hòa giải và bình ổn tình hình, chống lại những hành động phi pháp nhằm quân sự hóa tình hình tại quốc gia Trung Đông này.

SCO ủng hộ chuyển giao kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế rồi sau đó tiêu hủy khi Syria tham gia Công ước cấm nghiên cứu, sản xuất, tích trữ và sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này. Các nước thành viên SCO tán thành nỗ lực triệu tập một hội nghị quốc tế về Syria.

Theo quan điểm SCO, hội nghị sẽ phải đặt nền móng cho sự hòa giải và bình thường hóa tình hình ở Syria với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. SCO lên án tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chống lại dân thường ở Syria.

SCO bày tỏ lo ngại về tình hình xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, song cho rằng việc đe dọa sử dụng vũ lực và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại quốc gia Hồi giáo này là không thể chấp nhận được. Các sự kiện đang phát triển theo kịch bản đối đầu có nguy cơ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và không lường hết được đối với khu vực nói riêng, cũng như hòa bình và an ninh quốc tế nói chung.

SCO bày tỏ tin tưởng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua con đường chính trị, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và có cách tiếp cận trách nhiệm, đặc biệt tránh đưa ra những tuyên bố, hành động khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. SCO cũng kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên dựa trên cơ sở các mục tiêu và nguyên tắc của tuyên bố 6 bên đưa ra ngày 19/9/2005.

Ngoài ra, văn kiện của SCO còn đề cập nhiều vấn đề khu vực và quốc tế khác, trong đó có tình hình Afghanistan. SCO ủng hộ xây dựng Afghanistan trở thành quốc gia độc lập, hòa bình thịnh vượng, loại bỏ được chủ nghĩa khủng bố và tội phạm ma túy.

SCO ra đời tại Thượng Hải vào năm 2001, gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Hiện các nước Afghanistan, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakistan đóng vai trò quan sát viên, còn Belarus, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ là các đối tác đối thoại của SCO.

Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 14 sẽ diễn ra tại Tajikistan.

Diễm Hạnh