Một nhà báo nước ngoài đã nói với tôi rằng, Việt Nam là một đất nước hạnh phúc vì bóng đá. Bạn bảo rằng, 2018 chứng kiến sự hạnh phúc ấy tràn ra trên những con đường khắp cả nước, với cờ đỏ và những dòng người ăn mừng chiến thắng dài như vô tận trong nhiều đêm chiến thắng, dài từ đầu năm đến cuối năm. “Ở các nền bóng đá phát triển, người ta chỉ sung sướng và đổ ra đường để ăn mừng thắng lợi của các đội tuyển quốc gia”, bạn nói. “Các đội trẻ, dù chiến thắng lớn đến mấy, kể cả vô địch thế giới ở hạng tuổi của họ, cũng không được quan tâm”. Nhưng hôm đội tuyển U23 trở về từ Thường Châu, hàng biết bao người đã đổ ra chật kín các con đường của thủ đô để đón họ-đội đã thua ở chung kết trở về, như những người hùng. Chúng ta không có một đội tuyển vào được World Cup, nhưng chúng ta tạo ra một World Cup của riêng mình trên sân nhà.
Các cổ động viện đón đội tuyển U23 trở về từ Thường Châu, như những người hùng. (Nguồn: Báo Bóng đá) |
Thành công của đội tuyển quốc gia ở sân chơi khu vực, giải AFF Cup, với chức vô địch đoạt được sau 10 năm chờ đợi cũng không được ăn mừng lớn đến thế. Đơn giản, bởi nhiều người nghĩ rằng, chiến thắng ấy chỉ là sự khẳng định đương nhiên của hành trình thành công từ sân chơi U23 châu Á đầu năm 2018. Thành công ấy là thắng lợi ở cấp châu lục, khiến cho người hâm mộ sung sướng tột cùng. Bởi sau những năm đứng sau Thái Lan, bị “bóng ma” Thái Lan ám ảnh, chúng ta đã thoát khỏi những nỗi ê chề vì Thái Lan, vì những thất bại lớn ở các giải đấu khu vực, để xây lên một niềm tin rằng, Việt Nam đang có một lứa cầu thủ trẻ giỏi giang, có học, trong sạch, có tinh thần chiến đấu và sự dũng cảm, và điều quan trọng nhất, lứa ấy có thể bước ra sân chơi châu lục. Thậm chí, người ta từng nói đến khả năng Việt Nam có thể vào được cả World Cup, một khi FIFA mở rộng số đội tham dự giải lên 48 đội. Nhưng trên thực tế không hề giản đơn như những giấc mơ. Năm 2018 nên được coi là năm bản lề, và chỉ thế để không ảo tưởng.
2019 là một năm của những vận hội lớn, và đều liên quan đến đội tuyển U23. Đấy không phải là năm cho đội tuyển quốc gia, dù trên thực tế, đội tuyển dưới tay HLV Park Hang Seo đã có một cuộc phiêu lưu ở Asian Cup, đấu trường lớn nhất, khó khăn nhất và đẳng cấp cao nhất mà các học trò dưới tay ông đã chinh chiến. Trên thực tế, chúng ta không thể tiến xa ra châu lục, hoặc đi xa hơn thế nữa, nếu không có những trải nghiệm, những thất bại, những cuộc đọ sức vượt tầm khả năng, như Asian Cup, và trong năm 2019, các trận vòng loại World Cup 2022.
2019 là năm của vòng loại U23 châu Á, và việc U23 Việt Nam, hiện là đương kim á quân, lọt vào vòng chung kết giải U23 châu Á (tổ chức ở Thái Lan tháng 1/2020) có ý nghĩa cực kỳ trong những tính toán của ông Park. Bởi nếu có thứ hạng cao ở giải đấu ấy, sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một đội tuyển dự Thế vận hội, tổ chức ở Tokyo mùa hè 2020.
Chính ông Park, trong lần ra mắt bóng đá Việt Nam vào cuối năm 2017, đã từng nêu ra mục tiêu đó. Con người mới mẻ này, với tuyên bố ấy, đã khiến dư luận hoài nghi, bởi đấy là điều không đơn giản chút nào. Thậm chí có ý kiến rằng, làm sao bóng đá chúng ta làm được điều ấy, một khi SEA Games vẫn là một ước mơ xa vời. Nhưng hơn một năm sau, người ta đã tin rằng, ông Park có thể làm được điều ấy.
Đội tuyểnViệt Nam nhận cúp vô địch AFF Cup 2018. (Nguồn: Goal.com) |
Nhưng SEA Games 2019 sẽ là một cơ hội để chứng tỏ rằng, với ông Park, điều bóng đá nam chưa từng làm được ở những SEA Games trước kia nay sẽ thành sự thực. Sau thành công của lứa đội tuyển quốc gia ở AFF Cup, chắc chắn sự kỳ vọng vào một huy chương vàng cho môn bóng đá nam ở Philippines sẽ rất cao. Đội tuyển U23 đã thất bại trong tất cả những cuộc thử sức trước đây ở sân chơi này. Lần gần nhất, họ vào đến chung kết là 2009, một năm sau thành công ở AFF Cup 2008, khiến tất cả tin rằng, U23 Việt Nam, lúc ấy là ứng viên số 1 cho chức vô địch, sẽ đăng quang, như một sự khẳng định vào sức mạnh Việt Nam. Điều đó đã không diễn ra, khi U23 Việt Nam thua U23 Malaysia 0-1 trong trận chung kết ở Vientiane. Thất bại đau đớn ấy đến khi trận đấu chỉ còn 5 phút, sau một pha tự đưa bóng về lưới nhà của Mai Xuân Hợp. HLV Enrique Calisto đã ra đi sau thất bại ấy. Và bây giờ, 10 năm sau, không ai muốn thấy điều đó xảy ra nữa, khi chúng ta hiện đang là nhà vô địch. Sẽ không xảy ra, vì giờ đã có ông Park?
Người hâm mộ tin như thế, giới chuyên môn cũng thế. Lâu lắm rồi mới có một HLV tạo ra nhiều niềm tin đến thế về sự gắn bó lâu dài của ông với bóng đá Việt Nam, cũng như về khả năng thành công của ông với các lứa đội tuyển chúng ta. Sự lạc quan ngày càng tăng lên, khi 2019 là năm của đội tuyển U23, với niềm hy vọng vào một suất dự vòng chung kết U23 châu Á và danh hiệu vô địch SEA Games 2019. Tự tin và hy vọng, bởi lứa cầu thủ hiện tại, những cầu thủ tạo ra thành phần nòng cốt của ngôi á quân U23 châu Á và chức vô địch AFF Cup 2018 vẫn còn đủ tuổi để chơi trong các giải lớn của năm 2019. Và người ta tin rằng, lứa ấy đủ khả năng để chiến thắng nữa, ở sân chơi khu vực, vốn rất vừa tầm, vừa sức, vừa đẳng cấp hiện tại của chúng ta.
Xét cho cùng, sân chơi châu lục vẫn còn là một sân khấu lớn, ở rất xa tầm với, nhưng đấu trường khu vực thì hoàn toàn có thể, và chiến thắng ở AFF Cup 2018 đã cho chúng ta vị trí số 1 ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Một thắng lợi tại SEA Games sẽ là sự khẳng định cho vị trí số 1 ở lứa đội trẻ.
Chúng ta có thể làm được điều ấy không, thời gian sẽ trả lời...