VĐV Nguyễn Thị Huyền đạt hai chuẩn Olympic và đi vào lịch sử khi phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại trong suốt 24 năm qua. |
Đánh dấu bước tiến lớn
Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc một kỳ SEA Games thành công với tổng cộng 73 huy chương vàng (HCV), 53 huy chương bạc (HCB) và 60 huy chương đồng (HCĐ), đứng thứ ba toàn đoàn, sau Thái Lan (98 HCV, 83 HCB, 69 HCĐ) và nước chủ nhà Singapore (84 HCV, 73 HCB, 102 HCĐ). Với thành tích trên, chúng ta đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra tám HCV.
So với kỳ SEA Games 27, đoàn Việt Nam giành ít hơn một HCV nhưng vượt trội về chất lượng chuyên môn. Ở các môn thi đấu Olympic, Việt Nam giành 64 HCV, đạt tỷ lệ 88%. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử các lần tham dự sân chơi khu vực của đoàn thể thao Việt Nam. Tại kỳ đại hội trước đó ở Myanmar, các môn Olympic chỉ mang về cho đoàn Việt Nam 47 HCV, đạt tỷ lệ 64%. Thành tích kể trên còn ấn tượng hơn khi nhiều môn là thế mạnh của chúng ta và cũng nằm trong chương trình thi đấu Olympic như cử tạ, vật lại không được nước chủ nhà đưa vào thi đấu trong kỳ đại hội lần này.
Năm nay, đoàn thể thao Việt Nam sang Singapore có 400 VĐV, ít hơn so với con số 511 người ở SEA Games 27 tại Myanmar. Tuy nhiên, số HCV của chúng ta vẫn đạt gần tương đương. Điều này là minh chứng rõ ràng cho thấy chất lượng của các VĐV Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.
Đua nhau phá kỷ lục
Môn thể thao đóng góp nhiều huy chương vàng nhất cho thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games vừa qua là điền kinh, với 11 HCV, 15 HCB và 8 HCĐ. Thành công của môn thể thao nữ hoàng đến từ việc họ có được sự kế thừa của các vận động viên trẻ và kinh nghiệm của những tên tuổi đi trước. Ví như VĐV Nguyễn Văn Lai vẫn giữ được phong độ cao ở đường chạy 5000m để phá vỡ một kỷ lục SEA Games. Cùng với đó, không chỉ giành ba HCV, VĐV Nguyễn Thị Huyền còn đạt hai chuẩn Olympic và đi vào lịch sử khi phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại trong suốt 24 năm qua.
Cái tên được người ta nhắc đến nhiều nhất trong 11 ngày tranh tài tại đảo quốc sư tử không thể là ai khác ngoài Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái 18 tuổi người Cần Thơ đã giành 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ ở 11 nội dung tranh tài. Ngoài ra, Ánh Viên còn phá 8 kỷ lục đại hội. Thêm vào đó, kình ngư sinh năm 1996 đã phá vỡ kỷ lục tồn tại 22 năm của Joscelin Yeo (Singapore) khi giành đến 8 HCV ở các nội dung cá nhân.
Trước thành tích ấy, cái tên "Ánh Viên" đã trở thành tâm điểm của truyền thông khu vực. Họ gọi cô bằng những những mỹ từ như "nữ hoàng bơi lội", "tiểu tiên cá"… Trong ngày trở về nước, hàng trăm cổ động viên đã có mặt tại sân bay Nội Bài để chào đón cô gái vàng Việt Nam. Ngay cả VĐV xuất sắc nhất tại giải đấu lần này - Joseph Schooling (Singapore) cũng dành lời ca ngợi đặc biệt: "Cô ấy đã thực hiện mọi thứ theo một chuẩn mực mà tôi chưa từng được thấy ở một vận động viên nào trước đây. Ánh Viên có một trái tim thép, tinh thần thi đấu vô cùng tuyệt vời".
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến đội tuyển đua thuyền Việt Nam. Chỉ tiêu mà đội tuyển đặt ra khi đến với SEA Games 28 là 3-4 HCV. Tuy nhiên, khi kết thúc đại hội, đội tuyển của chúng ta đã hoàn thành gấp đôi những gì đã đặt ra: 8 HCV, 4 HCB và 1 HCĐ. Đây thành quả xứng đáng dành cho nỗ lực của Nguyễn Văn Linh, Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền, Lê Thị An, Phạm Thị Huệ…
Đội tuyển xe đạp cũng hoàn thành chỉ tiêu đề ra với 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Đại hội đã khép lại với nhiều cảm xúc dành cho cua-rơ Nguyễn Thị Thật khi cô giành tấm huy chương vàng duy nhất cho xe đạp Việt Nam ở nội dung đường trường một cách đầy kịch tính. Từ tấm HCĐ tại SEA Games 27, HCB tại Asiad năm 2014, cô gái người An Giang đã chuyển màu huy chương thành công bằng nghị lực phi thường và sự vươn lên mạnh mẽ.
Những tiếc nuối
Nhìn vào thành công của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28, người hâm mộ vẫn phần nào chạnh lòng với hai môn bóng đá và bóng chuyền. ĐT U23 Việt Nam đã phải dừng bước ở bán kết và vẫn chưa hoàn thành được giấc mơ chinh phục tấm huy chương vàng SEA Games, kéo dài nỗi buồn muôn thuở của thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực. HLV thất vọng, các tuyển thủ rơi lệ vì nuối tiếc, người hâm mộ thêm một lần hụt hẫng... Buồn nhưng chúng ta không thất vọng bởi tất cả thầy trò ông Toshiya Miura đã cống hiến hết mình trong các trận đấu và chỉ chịu dừng bước vì thiếu may mắn.
Có một chi tiết đáng chú ý là kể từ năm 1997 đến nay thì đây mới là tấm HCĐ đầu tiên của bóng đá Việt Nam tại SEA Games. Trong 18 năm ấy, cứ mỗi lần đá trận tranh hạng ba là các cầu thủ của chúng ta thất bại. Lý giải đơn giản nhất đó là toàn đội đã gục ngã sau các trận thua ở bán kết. Nhưng lần này, các cầu thủ Việt Nam đã không đi vào "vết xe đổ". Ở trận đấu cuối gặp Indonesia, họ vẫn thi đấu với tinh thần quyết tâm cao để đem về một chiến thắng đậm đà nhằm an ủi người hâm mộ.
Vị chiến lược gia người Nhật có thể chưa giúp bóng đá Việt Nam chạm vào tấm HCV SEA Games nhưng phải thừa nhận rằng ông đã kéo người hâm mộ quay trở lại với bóng đá. Ông và các cầu thủ U23 Việt Nam đã gieo được niềm tin và sự kỳ vọng trong lòng của người hâm mộ và niềm tin ấy vẫn tồn tại ngay cả khi các cầu thủ của chúng ta phải nhận thất bại.
Còn với môn bóng chuyền, dù thi đấu rất cố gắng nhưng cả hai đội tuyển nam và nữ đều không thể đánh bại được người Thái trong trận chung kết. Bóng chuyền nữ một lần nữa gục ngã trước đối thủ đến từ xứ Chùa Vàng, để rồi lần thứ tám liên tiếp nhận tấm HCB.
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang cố gắng trẻ hóa lực lượng với những Bùi Thị Ngà (1,86m), Trần Thị Thanh Thúy (1,89m), Lê Thanh Thúy (1,8m), Hà Ngọc Diễm (1,77m), Đinh Thị Trà Giang (1,8m)… Họ đều là những cô gái đang ở độ tuổi 20. Nhìn vào những gương mặt ấy, có thể khẳng định rằng đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trẻ trung và sở hữu thể hình tốt hơn Thái Lan. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ để lật đổ người Thái.
Sau thế hệ Phạm Yến, Kim Huệ, thế hệ trẻ với những Nguyễn Linh Chi, Hà Ngọc Diễm, Trần Thị Thanh Thúy vẫn cứ bị che lấp bởi cái bóng của "gã khổng lồ" Thái Lan. Đây đã là lần thứ tám liên tiếp các cô gái Việt Nam nhận HCB tại SEA Games. Phải biết bao lâu nữa, họ mới hóa giải được "phận Bạc" của mình tại đấu trường này!?
XUÂN HỒNG