Bắt đầu từ mùa 2011-12, Serie A đã đánh mất quyền có 4 suất tham dự đấu trường UEFA Champions League vào tay Bundesliga sau thành tích "bết bát" trong thời gian trước đó.
Hai chức vô địch của Milan (2007) và Inter (2010) là không đủ để giúp Serie A duy trì thế thượng phong trước Bundesliga, giải đấu không ngừng cải thiện chất lượng cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Việc đánh mất một suất tham dự Champions League cũng đánh dấu sự đi xuống về mặt ảnh hưởng của các đại diện Serie A tại đấu trường danh giá nhất châu Âu. Inter cũng như Milan liên tục vắng mặt tại đấu trường này, chỉ còn mỗi Juve duy trì được sức mạnh, trong khi Napoli cũng như Roma thường xuyên bị loại trong giai đoạn play-off.
Quyết định trao lại cho Serie A bốn suất tham dự có phải là thời cơ để giải đấu cao nhất đất nước hình chiếc ủng trở lại đỉnh cao hay không? Đây là một câu hỏi cần nhìn trên nhiều khía cạnh để có được câu trả lời chuẩn xác.
Về lý thuyết, việc có thêm một suất, đồng nghĩa với việc tốp 3 Serie A sẽ được vào thẳng vòng bảng sẽ giúp cuộc đua tranh trở nên bớt căng thẳng. Milan, Inter, hai đại gia chật vật tìm lại ánh hào quang xưa sẽ có nhiều cơ hội để trở lại với đấu trường giàu danh vọng này.
Và bản thân Serie A cũng cần hai câu lạc bộ thành Milan trở lại, bởi đẳng cấp, kinh nghiệm của 10 chiếc cúp C1/Champions League mới là thứ giúp lá cờ Italy được phất cao trên đấu trường châu Âu chứ không phải Napoli non kinh nghiệm hay Roma yếu bóng vía.
Inter sẽ có nhiều cơ hội để quay trở lại Champion League. (Nguồn: Getty Images) |
Tuy nhiên, việc trao lại cho Serie A một suất có thực sự giúp bóng đá Italy trở lại hay không lại là một câu chuyện khác. Cần nói rõ, trở lại ở đây không mang nghĩa đỉnh cao như trong thập niên 80, 90 nơi Serie A là "cái rốn" của cả thế giới, mà đơn giản chỉ là việc Serie A có xứng đáng đứng ngang hàng với Premier League, La Liga hay Bundesliga hay không.
Sức mạnh của những câu lạc bộ hàng đầu không phải là yếu tố duy nhất khiến Serie A tụt lại so với top 3. Sân bãi, cách tổ chức cổ động viên, văn hóa cổ vũ... mới là điều khiến Serie A ngước lên nhìn top 3 với ánh mắt ngưỡng mộ.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản, một du khách tới Milan và muốn tham quan sân San Siro sẽ mất 19 Euro vé vào cửa chỉ để... đi một vòng quanh các khán đài, xuống sân, chụp ảnh, phòng thay đồ trống trơn. 19 Euro này sẽ đi vào tài khoản của thành phố Milan vì sân San Siro thuộc sở hữu của thành phố.
Tiếp nữa, nếu muốn tham quan phòng truyền thống của Milan (cũng như Inter), du khách sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khác, khoảng hơn 20 Euro, để vào thăm, chụp ảnh... Hơn 20 Euro này thuộc về tài khoản của Milan (hoặc Inter).
Trong khi đó, nếu tới Madrid, du khách sẽ chỉ mất 24 Euro cả thảy để có thể tham quan sân Santiago Bernabeu, vào phòng thay đồ của các cầu thủ (dĩ nhiên trong những ngày không có trận đấu), vào phòng truyền thống để chụp ảnh. Sự tiện nghi, thoải mái (quan trọng nhất, giá rẻ) so với San Siro rõ ràng tăng gấp bội.
Lượng tiền thu về từ vé bán ra bị chia cho thành phố chỉ là một phần trong những bất tiện mà Milan, Inter hay bất kỳ một câu lạc bộ nào khác tại Serie A (trừ Juve sở hữu sân vận động riêng) phải đối diện.
Cũng chính từ việc không có quyền sở hữu sân vận động mà Milan hay Inter không có khả năng tu sửa sân nhà. Sự xuống cấp của San Siro (lần tu sửa lớn cuối cùng diễn ra vào năm 1990, chuẩn bị cho World Cup) khiến các cổ động viên cũng ít muốn tới sân hơn.
Sân vận động San Siro - sân chung của Inter và Milan. (Nguồn: Pinterest) |
Con số thống kê cho thấy, Inter có lượng khán giả đến sân nhiều nhất vào mỗi cuối tuần tại Serie A chỉ bán ra được trung bình 40.000 vé. So sánh ngang bằng thì Arsenal bán ra trung bình 59.000 vé, Real Madrid bán ra 65.000 vé, Bayern Munich là 75.000 vé, Dortmund thậm chí bán ra lượng vé gấp đôi Inter, 80.000 vé, vào mỗi cuối tuần.
Khi lượng vé bán ra vốn đã thấp, và còn phải chia cho thành phố, không khó hiểu tại sao Inter (cũng như Milan) tụt lại quá sâu so với những câu lạc bộ lớn còn lại tại châu Âu.
Có thể khẳng định, việc được tham dự Champions League là không đủ để Milan, Inter, hay bất kỳ câu lạc bộ nào của Italia (trừ Juve) có thể lấy đó làm bàn đạp hòng đưa cả giải đấu trở lại.
Và quyết định trao cho Serie A thêm một suất dự Champions League nên được nhìn như một bước đi đầy ưu ái của UEFA giành cho giải đấu cao nhất Italy.