Thủ tướng Nhật Bản Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 13. |
Từ ngày 30/5-1/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã diễn ra với sự tham gia của hơn 450 đại biểu bao gồm nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng quốc phòng, quan chức quân sự cao cấp, chuyên gia an ninh và đối ngoại từ nhiều nước trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những căng thẳng chiến lược tiềm ẩn trong khu vực đã làm nóng bầu không khí bao trùm hội nghị với tiêu điểm là các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải gắn với cách hành xử đơn phương của Trung Quốc.
Từ lời qua tiếng lại
Trong vòng sáu tháng qua, trước hàng loạt hành động đơn phương của Trung Quốc, những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo tại khu vực ngày càng tăng cao, trở thành mối lo ngại chung của các nước. Với việc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không ADIZ tại biển Hoa Đông, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành xây dựng tại bãi đá ngầm tranh chấp với Philippines và đưa hai máy bay áp sát máy bay giám sát của Nhật Bản, Trung Quốc đã trở thành đối tượng chủ yếu trong các bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Trong phát biểu dẫn đề, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã chỉ trích "các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực hoặc cưỡng ép", đồng thời yêu cầu các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Thực tế, bài phát biểu của Thủ tướng Abe đã không dưới 20 lần nhắc đến yêu cầu này.
Cùng với Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng mạnh mẽ bày tỏ quan điểm lên án Trung Quốc, tuyên bố nước này đã "tiến hành những hành động đơn phương, gây bất ổn nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền" trên Biển Đông.
Để đáp lại, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã buộc tội ông Abe và ông Hagel kết hợp với nhau, sử dụng bài phát biểu để tấn công Bắc Kinh và điều này là "không thể chấp nhận được", "khiêu khích", "đầy tính hăm dọa" và đi ngược lại với tinh thần của Đối thoại.
Các nước khác như Singapore, Anh, Pháp, Australia cũng bày tỏ quan ngại đối với các căng thẳng tại khu vực. Đặc biệt, đối với sự việc giàn khoan Hải Dương 981, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng phát cho rằng mặc dù Việt Nam có thể sẽ sử dụng công cụ pháp lý khi giải pháp đàm phán không mang lại kết quả nhưng Việt Nam vẫn luôn mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Có thể thấy, những xung đột trên Biển Đông và biển Hoa Đông gần đây đã làm không khí Đối thoại Shangri-La nóng lên một cách bất thường. Trong khi các kỳ đối thoại trước, một vấn đề nóng chứa đựng các bất đồng thường chỉ được đề cập một cách ôn hòa, thì năm nay các đại biểu đã không ngần ngại nói thẳng quan điểm của mình.
Đến những căng thẳng chiến lược sâu xa
Vượt trên vấn đề chủ quyền biển đảo, những bất đồng tại Shangri-La 13 lần này thể hiện những tranh giành mang tính chiến lược giữa các nước lớn, chủ yếu xuất phát từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và thứ hai khu vực, dường như sẽ không "để yên" cho Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" nữa mà sẽ "đóng một vai trò lớn hơn và chủ động hơn trong việc bảo đảm hòa bình ở châu Á và trên thế giới". Một trong những biện pháp để thay đổi mục tiêu đó là tăng cường xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ với ASEAN - vốn được coi là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc. Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật Bản đã quyết định cung cấp tàu tuần tra cho Philippines và Indonesia, đồng thời đang tiến hành các khảo sát cần thiết để cung cấp những tàu tương tự cho Việt Nam.
Mỹ, cường quốc số 1 trên thế giới, vốn đang loay hoay xoay trục sang châu Á, cũng trấn an các đồng minh bằng những tuyên bố mạnh mẽ tại Shangri-La. Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel tuyên bố Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng "kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào đe dọa, ép buộc hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định những tuyên bố" và sẽ" giữ vững quan điểm trên khi những trật tự quốc tế cơ bản bị thách thức." Tuyên bố trên của ông Hagel đã phần nào tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Về phần mình, Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ không chịu ngồi yên trước nỗ lực kiềm chế của Mỹ và Nhật Bản. Tại Shangri-La, các đại biểu Trung Quốc đã phản đối những hành động mà họ coi như là "sự can thiệp vào công việc nội bộ và thống trị an ninh ở khu vực" của Mỹ và Nhật. Với sự vươn lên về kinh tế và quân sự, Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu chiếm vị thế số 1 tại khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã không có được các lý lẽ và hành động thuyết phục để thể hiện vị thế của mình. Thay vào đó, nước này đã sử dụng các hành động hung hăng, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế và làm mất niềm tin của các nước láng giềng.
Phạm Diệu MyViện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao