📞

Shibam - "Manhattan xây bằng gạch bùn"

09:06 | 15/04/2017
Thành phố cổ xưa Shibam của Yemen là thành phố lâu đời nhất trên thế giới được xây dựng và quy hoạch theo chiều thẳng đứng.

Nằm ở vùng Wadi Hadramaut của Yemen, một thành phố cổ với những tòa nhà chọc trời được xây dựng bằng gạch bùn nổi lên sừng sững trên sa mạc. Đây chính là biểu tượng về khả năng thích nghi với những môi trường khắc nghiệt nhất của con người.

Những tòa cao ốc này được xây bằng gạch bùn liền kề nhau. Ở vùng sa mạc khô cằn này, rất khan hiếm những vật liệu như gỗ và đá, nhưng bù lại là có nhiều cát, đất sét và bùn. Với khả năng thích nghi để sinh tồn cao, người dân vùng sa mạc đã sáng tạo ra cách riêng để xây dựng nên nơi ở an toàn bằng những vật liệu có sẵn.

Toàn cảnh thành phố Shibam. (Nguồn: National Geographic)

"Manhattan giữa sa mạc"

Nằm ở rìa một vùng sa mạc hoang vu có tên gọi là Vùng Trống, thành phố Shibam được xây dựng từ thế kỷ 16 là thành phố lâu đời nhất trên thế giới có quy hoạch đô thị theo chiều thẳng đứng. Với kiểu kiến trúc đặc biệt này, Shibam hiện là nơi cư ngụ của khoảng 7.000 dân.

Trong một chuyến hành trình xuyên qua phía Nam cao nguyên Ả rập vào năm 1930, nhà thám hiểm người Anh Freya Stark đã gọi thành phố này là “Manhattan giữa sa mạc”, ngụ ý so sánh những tòa nhà cao của nó với thành phố Manhattan của nước Mỹ, nơi có nhiều tòa cao ốc chọc trời.

Mọi khía cạnh trong thiết kế của Shibam đều mang tính chiến lược. Thành phố được xây dựng ở một vùng có vị trí khá cao và có bức tường thành kiên cố bao quanh nhằm bảo vệ người dân trước các bộ tộc thù địch. Lợi thế trên cao giúp họ phát hiện kẻ thù từ xa. Các khu nhà được xây dựng theo một sơ đồ quy hoạch hình chữ nhật, đồng thời nằm khá gần với nguồn nước.

Các tòa nhà xây bằng gạch bùn, có thể cao đến 7 tầng, đã được xây dựng từ nguồn đất xung quanh thành phố. Hỗn hợp đất, cỏ khô và nước đã được hòa trộn và đúc thành gạch, sau đó được phơi nắng trong nhiều ngày. Các tầng sát đất không có cửa sổ, dùng để nhốt gia súc hoặc chứa ngũ cốc, còn các tầng trên cao dùng làm nơi ở của mọi người. Những hành lang và cửa ra vào nối liền các tòa nhà cũng là những lối thoát hiểm nhanh - một trong những đặc điểm phòng thủ ấn tượng của thành phố này.

Những phụ nữ ở Shibam đang hái rau. Họ đội mũ rơm madhalla, loại mũ được thiết kế để chống nóng. (Nguồn: National Geographic)

Nguy cơ biến mất

Các công trình xây dựng trên sa mạc luôn chịu sự đe dọa của gió, mưa và nhiệt độ, do đó phải được bảo trì liên tục. Năm 2008, một cơn bão nhiệt đới đã quét qua Shibam, phá hủy một số nhà ở và đe dọa các tòa tháp cao đắp bằng đất.

Thành phố này cũng đang phải hứng chịu những mối đe dọa từ chính con người. Năm 2015, Shibam lọt vào danh sách “Di sản thế giới bị đe dọa” khi cuộc nội chiến khốc liệt nổ ra tại Yemen, đẩy đất nước này vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài đến nay. Một số tòa nhà cổ bị hủy hoại nghiêm trọng trong các trận bom quy mô lớn, và hiện vẫn có nguy cơ bị phá hủy do xung đột vũ trang.

Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova từng nhận định: “Không những gây ra những hậu quả khủng khiếp cho con người, các cuộc tấn công này đang phá hủy di sản văn hóa độc đáo này của Yemen, nơi lưu giữ bản sắc, lịch sử và kỷ niệm, đồng thời là một minh chứng hùng hồn cho những thành tựu của nền Văn minh Hồi giáo”.

Shibam không phải là di sản văn hóa đầu tiên hoặc duy nhất bị đe dọa. Năm 1954, Công ước của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa trong các sự kiện xung đột có vũ trang đã được tòa án quốc tế ở The Hague thông qua sau khi hàng loạt di sản văn hóa bị phá hủy trên diện rộng trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II. Đây là công ước quốc tế đầu tiên về vấn đề này. Công ước này hoạt động với phương châm “sự hủy diệt di sản văn hóa của bất cứ dân tộc nào cũng là sự hủy diệt di sản văn hóa của toàn nhân loại”, qua đó giúp bảo vệ các di sản trước cộng đồng quốc tế.

(theo National Geographic)