📞

Siêu Hiệp định RCEP sẽ 'thổi luồng sinh khí mới' cho phục hồi kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Lê Anh 14:46 | 15/11/2021
Giới quan sát cho rằng, sau khi RCEP có hiệu lực, Hiệp định này sẽ thúc đẩy sự kết nối giữa các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế, hợp tác kinh tế thương mại và tăng trưởng kinh tế, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi kinh tế khu vực.
Hiệp định RCEP sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với 10 quốc gia vào ngày 1/1/2020. (Nguồn: VTV)

Đẩy mạnh hệ thống thương mại đa phương

Ban Thư ký ASEAN, cơ quan lưu chiểu của RCEP, đã thông báo nhận được văn kiện/phê chuẩn RCEP của 6 quốc gia thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và 4 quốc gia không phải thành viên ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia.

Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với 10 quốc gia nói trên vào ngày 1/1/2022.

RCEP được chính thức ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiện có 15 quốc gia thành viên với tổng dân số, khối lượng kinh tế và tổng thương mại chiếm khoảng 30% tổng khối lượng toàn cầu, là khu thương mại tự do lớn nhất thế giới. Trong đó, hầu hết các quốc gia thành viên cũng là thành viên của APEC.

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho rằng, việc hoàn thành nhanh chóng quá trình phê duyệt RCEP là sự phản ánh trung thực cam kết của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương công bằng, cởi mở và có lợi cho khu vực và thế giới. Mức độ mở cửa cao hơn, thị trường lớn hơn và các chính sách hoàn thiện hơn khi hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển mới.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore Ei Sun OH, cho biết, khi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy, RCEP đã cho thế giới thấy những lợi thế của việc chia sẻ thị trường và sự thịnh vượng chung, thổi "luồng sinh khí mới" vào thương mại tự do, cũng như chủ nghĩa đa phương.

Trưởng đoàn đàm phán RCEP của Philippines Allan Gepty, cho biết RCEP đã cung cấp một cơ chế đa phương có lợi cho sự phát triển thương mại. Bằng cách thiết lập các quy tắc và thủ tục rõ ràng và minh bạch, RCEP đã mang lại sự đảm bảo cơ chế trao đổi thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực

Các nhà quan sát nhìn chung cho rằng, với tư cách là khu thương mại tự do lớn nhất thế giới, sau khi RCEP chính thức có hiệu lực sẽ thúc đẩy sự kết nối giữa các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Mitsubishi Nhật Bản cho rằng, RCEP sẽ không chỉ giúp cắt giảm thuế quan, mà còn thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận thị trường trong khu vực, mang lại hiệu quả kinh tế như tái cấu trúc chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.

Viện kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ ước tính, đến năm 2030, RCEP dự kiến sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng 519 tỷ USD và đóng góp thêm 186 tỷ USD cho thu nhập quốc dân của các nước thành viên.

Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Phil Twyford cho biết, RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp New Zealand, tạo cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu của New Zealand tham gia vào chuỗi giá trị RCEP, đồng thời việc tiếp cận thị trường nới lỏng hơn cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại của New Zealand và đầu tư vào các thị trường như Đông Á và ASEAN…

Trong số các thành viên ngoài ASEAN, Trung Quốc đi đầu trong việc hoàn tất công tác phê chuẩn Hiệp định RCEP, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và tích cực tham gia hội nhập kinh tế khu vực bằng các hành động thiết thực.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Bỉnh Nam trước đó đã tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Hồng Kiều lần thứ 4 rằng, trong tương lai, Trung Quốc sẽ thúc đẩy mức độ mở cửa cao hơn với thế giới bên ngoài.

Trung Quốc cũng sẽ tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế khu vực, tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho khu vực và thế giới, cung cấp thị trường lớn hơn, nhiều cơ hội hơn; từ đó thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế theo hướng cởi mở, bao dung, bao trùm, cân bằng và cùng có lợi.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế

Kể từ năm ngoái, đại dịch Covid-19 ở nhiều nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương liên tục biến động khiến nền kinh tế đình trệ, thậm chí suy giảm. Nhiều quốc gia nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế và coi RCEP là một đảm bảo quan trọng cho sự phục hồi kinh tế của quốc gia và khu vực.

Giới quan sát cho rằng, việc hiệp định có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế khu vực thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh và tạo động lực mới cho các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo của 15 quốc gia ký kết RCEP, ngày 15/11/2020. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez cho rằng, thương mại và đầu tư là những biện pháp quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Do đó, điều đặc biệt quan trọng là phải thiết lập một khu thương mại tự do ở phạm vi lớn hơn trong khu vực, cung cấp một môi trường ổn định hơn, khả năng dự đoán cao hơn và lòng tin mạnh mẽ hơn cho các nhà đầu tư.

Nhà nghiên cứu Ei Sun Oh cho rằng, RCEP đặc biệt hữu ích trong việc giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, cũng như hiện thực hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ tự do hơn. Các nước ASEAN đang mong muốn khai thác hơn nữa thị trường khổng lồ của Trung Quốc sau khi RCEP có hiệu lực, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của khu vực.

Ông Stephen Jacobi, Giám đốc điều hành Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC, cho rằng việc thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực do RCEP đại diện là thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng và phát triển thương mại tự do phù hợp với lợi ích kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, có tác động tích cực đến sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch.

Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

(theo Bình luận Trung Quốc)