📞

Siêu pháo phòng không IM-SHORAD của Mỹ có gì đáng gờm?

Trường Phan 08:00 | 07/10/2020
TGVN. Kể từ năm ngoái, Tập đoàn General Dynamics Land Systems (GDLS) và Leonardo DRS đã hợp tác với Quân đội Mỹ thử nghiệm hệ thống pháo và tên lửa phòng không tầm ngắn IM-SHORAD đầy hứa hẹn. Một số kiểm tra đã được tiến hành đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên tiến độ dự án cần được điều chỉnh do những vấn đề phát sinh.

IM-SHORAD được đánh giá là tinh hoa của sự hợp tác phát tiển chung giữa hai tập đoàn GDLS và Leonardo DRS. Mục tiêu của dự án IM-SHORAD là tạo ra một hệ thống pháo - tên lửa phòng không mới để trang bị cho Không quân Mỹ. Một tổ hợp như vậy sẽ hoạt động kết hợp trong cùng một đội hình chiến đấu với xe bọc thép và các lữ đoàn bộ binh, làm lá chắn bảo vệ trước các cuộc tấn công bằng đường không ở khu vực lân cận.

Ngoài các mối đe dọa trên không, hệ thống IM-SHORAD còn có thể loại bỏ cả những mục tiêu trên bộ. (Nguồn: Top War)

Vũ khí đa năng trong chiến tranh hiện đại

Đặc biệt, do yêu cầu giảm chi phí sản xuất-vận hành từ phía khách hàng nên hệ thống IM-SHORAD tận dụng các vũ khí sẵn có và kết nối thành một tổ hợp chung. Hệ thống đặt trên một xe bọc thép Stryker chắc chắn, bao gồm tháp pháo chiến đấu đa năng RIwP, công cụ tìm kiếm mục tiêu và bộ điều khiển hỏa lực. Trên bệ quay của module chiến đấu trang bị bộ thiết bị quang điện tử MX-GCS hoạt động liên tục ngày đêm và các laser cảm biến. Thiết bị vô tuyến tự động nhận diện "bạn hay thù" cũng được tích hợp vào hệ thống.

Ở trung tâm của tháp gắn một khẩu pháo tự động M230LF 30mm và một súng máy 7,62mm nằm trên một trục xoay linh hoạt. Ở mạn phải là bệ phóng SVUL chứa 4 tên lửa phòng không Stinger. Bên trái là nơi lắp đặt nòng M299 phóng hai tên lửa dẫn đường Hellfire. IM-SHORAD có thể tự tìm kiếm mục tiêu hoặc nhận lệnh chỉ định mục tiêu từ chỉ huy. Các thiết bị quang học không chỉ làm nhiệm vụ trinh sát, mà còn điều khiển quá trình thu-phóng tên lửa dẫn đường Stinger và Hellfire.

Sự xuất hiện tổ hợp phòng không này được coi là một vũ khí chiến thuật có thể giải quyết một loạt các nhiệm vụ chiến đấu. Trước tiên, IM-SHORAD xác định và tiêu diệt các mục tiêu trên không như tiêm kích, trực thăng, UAV và vũ khí dẫn đường khác. Tùy thuộc vào loại mục tiêu và tầm bắn của nó mà tùy ý sử dụng đạn pháo hoặc tên lửa. Phạm vi tiêu diệt tối đa khi triển khai tên lửa Hellfire bắn xa từ 6-8 km. Ở tầm bắn ngắn hơn, nhiệm vụ đó tên lửa Stinger đảm nhận.

Không chỉ đối phó với các mục tiêu trên bầu trời, IM-SHORAD có thể trị những kẻ thù trên mặt đất bằng khẩu pháo 30 ly và súng máy, đảm bảo hạ gục các mục tiêu “mềm” và xe bọc thép hạng nhẹ. Nếu gặp các đối thủ mạnh và cứng đầu hơn, chỉ huy sẽ khai hỏa tên lửa Hellfire tiêu diệt mục tiêu trong tích tắc.

Kế hoạch gặp bất lợi do dịch bệnh

Quá trình thử nghiệm sơ bộ các mẫu IM-SHORAD thế hệ đầu tiên đã bắt đầu vào năm 2019 và dự kiến ​​sẽ mở rộng trong năm 2020. Quân đội sẽ thử nghiệm lần lượt tất cả 9 mẫu pháo trong lô hàng kí kết ban đầu. Theo nguồn tin bên lề, giai đoạn thử nghiệm đã hoàn thành vào tháng 6 vừa qua và hiện đang triển khai công tác chuẩn bị các chương trình thử nghiệm quân sự kế tiếp vào mùa thu năm nay.

Vào giữa tháng Năm vừa qua, nhà thầu đã bàn giao năm sản phẩm đầu tiên để triển khai tại các địa điểm thử nghiệm khác nhau ở Mỹ. Tuy nhiên dự án đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến kĩ thuật lắp ráp từng thành phần và tích hợp phần mềm, cũng như tốc độ hoàn thiện để bàn giao đúng tiến độ. Kĩ thuật lắp ráp các bộ phận của hệ thống pháo-tên lửa phòng không IM-SHORAD thành một tổ hợp vũ khí thống nhất hóa ra lại là một nhiệm vụ khá khó khăn.

Chỉ vài tuần sau, các quan chức Bộ Quốc phòng đã tiết lộ mối lo ngại khác chính là đại dịch Covid-19 đang cản trở quá trình phát triển và thử nghiệm, dẫn đến sự chậm trễ và sai lệch so với lịch trình đã định sẵn. Dự án IM-SHORAD bị ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 do các quy định vệ sinh dịch tễ, do đó hầu hết chương trình đã phải trì hoãn một thời gian. Hiện nay, các kĩ thuật viên đã được nhận được thiết bị bảo hộ thiết yếu và thay đổi cách tổ chức công việc để có thể tiếp tục tiến hành thử nghiệm. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng chịu áp lực tăng tốc hoàn thiện để sẵn sàng bàn giao cho lực lượng bộ binh Mỹ trong thời gian sớm nhất có thể. Có ý kiến ​​cho rằng, nếu đẩy nhanh cường độ công việc sẽ dễ dẫn đến tình trạng làm ẩu và không đạt chất lượng như thỏa thuận, vô tình tốn thêm thời gian sửa chữa và làm chậm quá trình thử nghiệm.

Hệ thống tên lửa phòng không IM-SHORAD sẽ được chuyển giao cho các đơn vị đóng tại châu Âu. Lầu Năm Góc tin rằng, tình hình trong khu vực này đang dần diễn tiến xấu dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang toàn diện. Khi đó lực lượng mặt đất của Mỹ sẽ cần đến một lực lượng phòng không quân sự thật sự mạnh về chất và lượng. Ngoài những tính năng vượt trội, dự án tổ hợp tên lửa phòng không IM-SHORAD cho thấy những xu hướng phát triển vũ khí đa nhiệm mạnh mẽ nhưng tiết kiệm chi phí bằng cách dùng lại các vũ khí sẵn có trong chiến tranh hiện đại.

(theo Top War)