Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam và Singapore thực hiện nghi thức khởi công Dự án VSIP Nghệ An tháng 9/2015. Ảnh: SGGP Online |
Là một quốc gia nhỏ bé nằm tại khu vực Đông Nam Á với hơn 5 triệu dân và diện tích 719 km2, hiện Singapore đang là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhắc đến Singapore, người ta ngay lập tức nghĩ đến một mô hình đầu tư rất thành công tại thị trường Việt Nam, đó là các khu công nghiệp VSIP (Vietnam Singapore Industrial Park).
Tổng Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Sembcorp (Sembcorp Development Ltd) Kelvin Teo, đồng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (KCN VSIP), chia sẻ: “Tôi đã cảm mến đất nước và con người Việt Nam ngay từ lần đặt chân đến cách đây hơn 20 năm bởi tiềm năng phát triển cũng như sự cần cù, chăm chỉ của người dân. VSIP đầu tiên đã ra đời, để rồi sau đó có 7 khu công nghiệp như thế trên khắp Việt Nam”.
Vị CEO này cho biết 20 năm trước, khi Sembcorp cùng với các đối tác Việt Nam xây dựng VSIP đầu tiên, ưu tiên của tập đoàn là đưa ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động đến Việt Nam, chủ yếu phục vụ các ngành may mặc, da giày.
Qua nhiều năm, ưu tiên và mối quan tâm của VSIP hiện nay không chỉ tập trung vào lĩnh vực tạo ra công ăn việc làm mà còn tiếp tục song hành với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thông qua các ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Có thể nói VSIP là biểu tượng hợp tác hữu nghị giữa hai chính phủ Việt Nam và Singapore. Thành công của các khu công nghiệp VSIP đầu tiên tại Bình Dương với nền tảng vững chắc đã giúp VSIP mở rộng ra Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ngãi và Nghệ An. Tại mỗi nơi, các khu công nghiệp VSIP có đặc thù riêng và đối tượng khách hàng khác nhau. Tính đến nay, 7 khu công nghiệp này đã thu hút gần 9 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 170.000 lao động.
Ông Kelvin Teo cho biết, thành quả đạt được trong xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư của VSIP chỉ mới là phần cứng, trong thời gian tới VSIP sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ, đô thị. Mới đây nhất, vào tháng 5/2016, Công ty Phát triển Sembcorp đã quyết định phát triển dự án xây dựng Công viên Sáng tạo Việt Nam-Singapore tại TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là mô hình mới mà công ty hướng tới, với việc đưa các chuyên gia đa ngành từ khắp nơi trên thế giới tới nghiên cứu, sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới tại Việt Nam.
Thành công của Sembcorp cho thấy trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Việt Nam vẫn nổi lên là một địa điểm đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Singapore. Dòng đầu tư từ "Đảo quốc Sư tử" tiếp tục tăng trưởng đều đặn và phủ khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, đầu tư từ Singapore vào Việt Nam đạt hơn 1,1 tỷ USD. Nếu tính lũy kế đến nay, nguồn vốn đầu tư dự kiến của nước này vào Việt Nam đạt 37,9 tỷ USD với trên 1.600 dự án, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo. Nhiều dự án hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Hiện các nhà đầu tư Singapore đã có mặt tại 46/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Địa phương thu hút nhiều vốn FDI từ các doanh nghiệp Singapore nhất là TP. Hồ Chí Minh với 799 dự án, vốn đăng ký gần 10 tỷ USD, chiếm gần 27% tổng số vốn đăng ký tại Việt Nam. Hà Nội đứng thứ hai với 256 dự án và gần 5 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 13% về số vốn đăng ký.
Giám đốc Điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) Ho Meng Kit cho biết không chỉ các tập đoàn lớn, mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore cũng đang tìm kiếm các cơ hội làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Ông bày tỏ lạc quan về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam.
Theo ông, khoảng 80% thành viên của SBF là các doanh nghiệp vừa nhỏ (SMEs). Nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng, SBF đang tích cực phối hợp cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, VCCI cũng như các địa phương để có các chương trình xúc tiến và kết nối doanh nghiệp. SBF cũng hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, nắm bắt được quá trình cải cách của Việt Nam, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để mở rộng đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, đón thời cơ khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi.
Ông Ho Meng Kit cho biết thêm, các lĩnh vực mà doanh nghiệp Singapore quan tâm đầu tư tại Việt Nam là sản xuất, bất động sản, công nghệ cao và dịch vụ cơ sở hạ tầng như cảng biển, hệ thống giao thông và năng lượng, xuất khẩu hàng hóa nông sản và hoa quả...
Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đang trên đà phát triển với rất nhiều bờ biển đẹp và một nền văn hóa vô cùng phong phú, giàu bản sắc, mở ra tiềm năng hợp tác xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hoặc phát triển các sản phẩm du lịch