📞

Sinh viên nước ngoài chuộng lập nghiệp ở Nhật Bản

06:32 | 20/01/2015
3 năm trước, Qi Hongqiang ra mắt Công ty Skypechina, một trường trực tuyến dạy tiếng Trung Quốc với số vốn 42 nghìn USD vay được từ bố mẹ ở quê nhà thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Chàng trai 27 tuổi tốt nghiệp một trường đại học của Nhật Bản cần tiền mặt để được cấp giấy phép kinh doanh.“Tôi may mắn khi bố mẹ cho vay hơn 42 nghìn USD”, Qi cho biết tại văn phòng của mình ở Tokyo, một không gian rộng khoảng 10 m2 trang bị đầy đủ máy tính và máy in. “Thuê văn phòng cũng cần một khoản tiền lớn”, Qi bộc bạch.

Đối với Đặng Thái Cẩm Ly, 29 tuổi, một sinh viên người Việt Nam, yêu cầu tài chính là trở ngại lớn bởi vì không dễ để chuyển tiền từ Việt Nam sang Nhật Bản. Cuối cùng, cô cũng có thể hoàn thiện các thủ tục giấy tờ hành chính và đang hi vọng mở một nhà hàng Việt Nam. “Tôi nghĩ thị trường Nhật Bản rất tiềm năng và tạo cho tôi nhiều cơ hội”, cô nói.

Các nhà phân tích cũng đồng ý rằng yêu cầu về tài chính là một trở ngại lớn, “đặc biệt là đối với sinh viên nước ngoài vừa mới tốt nghiệp các trường đại học”, Masashi Miyagawa, Giám đốc Công ty Acroseed có trụ sở tại Tokyo, công ty chuyên tư vấn cho các lao động nước ngoài.

Một thách thức khác là tìm văn phòng vì ít chủ nhà mặn mà cho những sinh viên mới khởi nghiệp thuê.

Mặc cho những thách thức này, số lượng các sinh viên, đặc biệt là sinh viên châu Á, không còn đi tìm việc theo cách tuyền thống hoặc trở về quê nhà. Thay vào đó, họ tìm cách khởi nghiệp theo cách của mình.

Số sinh viên thành công trong việc chuyển đổi loại visa sang visa doanh nhân chỉ đạt con số 321 cho đến năm 2013 nhưng cũng cao gấp năm lần so với con số 61 năm 2007, theo số liệu của Bộ Tư pháp.

Giáo sư Hirokazu Hasegawa ở Trường Kinh doanh Waseda ở Tokyo, cho rằng môi trường kinh doanh ở Nhật Bản ngày càng hấp dẫn hơn đối với những người khởi nghiệp so với một số nước châu Á khác. Sinh viên người Trung Quốc Wang Lu, 31 tuổi, cùng đồng ý với điều này.“Nhật Bản có nền thương mại điện tử tiên tiến, điều mà tôi muốn học hỏi và thủ tục kinh doanh đỡ phức tạp hơn so với nước tôi”.

Câu chuyện của Wang là một ví dụ. Đầu tiên, Wang làm kỹ sư cho Công ty Fujitsu, sau đó theo học MBA ở một trường kinh doanh. Vào tháng 8 năm ngoái, Wang đồng sáng lập MIJ Corp., một công ty thương mại điện tử nhằm kết nối người Trung Quốc với các sản phẩm của Nhật Bản. “Ban đầu, các bạn cùng lớp của tôi đã có một ý tưởng kinh doanh mà tôi thấy thú vị, sau đó chúng tôi cùng thảo luận và nhận được phản hồi từ các giáo sư của chúng tôi và những người khác, cuối cùng chúng tôi cùng quyết định biến ý tưởng thành hiện thực ", Wang nói. “Cả khoa và các bạn cùng lớp giúp hình thành ý tưởng kinh doanh và góp ý về chiến lược, tài chính và quản lý”.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận được ủng hộ từ các công ty tư vấn khởi nghiệp của Nhật Bản. Lee Hyeok, một sinh viên Hàn Quốc, điều hành Công ty Truyền thông Deview có trụ sở tại Tokyo được 4 tháng. Cô thuê văn phòng giá rẻ của Công ty Samurai Startup Island, nơi có rất nhiều doanh nghiệp trẻ cũng thuê ở đó và họ thường trao đổi ý tưởng kinh doanh cùng nhau.

Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích người nước ngoài tự kinh doanh bằng cách giảm bớt các yêu cầu thị thực cho những lĩnh vực đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra chiến lược tăng trưởng nhằm vực dậy nền kinh tế.

Miyagawa, chuyên gia tư vấn, cho biết các doanh nghiệp của các sinh viên nước ngoài sẽ giúp Nhật Bản thu hút khách hàng nước ngoài nhiều hơn. Hơn nữa, sinh viên nước ngoài có khả năng nhìn thấy sự hấp dẫn của văn hóa Nhật Bản mà người dân địa phương có thể không nhận thấy được. Theo ông Miyagawa, điều này có thể tăng thêm cơ hội kinh doanh cho họ.

MAI THẢO (Theo Japan Times)