Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến và các đơn vị chức năng có liên quan của cả hai cơ quan.
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tại Hội nghị, báo cáo sơ kết cho thấy, kể từ thời điểm hai bên ký “Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Biên giới quốc gia trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia” ngày 5/7/2010, hai bên đã phối hợp hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền và trên biển.
Đáng chú ý, hai bên đã kịp thời trao đổi, thông báo tình hình, giải quyết và xử lý các vụ việc liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phối hợp tham mưu cho các địa phương giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới, góp phần duy trì tình hình ổn định ở khu vực biên giới. Hai bên cũng thường xuyên trao đổi thông tin có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ biên giới; chủ động trong việc thu thập tài liệu phục vụ cho công tác đàm phán…
Hai bên cung cấp cho nhau các văn bản, tài liệu có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc theo đúng các văn bản song phương hai nước như: cung cấp Biên bản đàm phán song phương các cấp trong Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào; Biên bản đàm phán song phương các cấp trong Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Đặc biệt, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thư về đường biên giới và cắm mốc quốc giới Việt Nam - Lào và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
Đối với đường biên giới Việt - Trung
Hai bên cũng đã phối hợp triển khai thực hiện 3 văn kiện pháp lý quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Tham gia khảo sát, phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc nâng cấp, mở cửa khẩu song phương như: Hoành Mô/Quảng Ninh, Chi Ma/Lạng Sơn, Lý Vạn, Sóc Giang/Cao Bằng; Nâng cấp cặp cửa khẩu Thanh Thủy/Hà Giang, Tà Lùng/Cao Bằng lên thành cửa khẩu quốc tế (trong đó cửa khẩu Thanh Thủy đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế năm 2014 và mở cửa chính thức cửa khẩu song phương Sóc Trăng năm 2015)
Hai bên cũng phối hợp khảo sát thực địa, xây dựng phương án và đàm phán với Trung Quốc xác định điểm đầu nối giao thông, phục vụ phát triển kinh tế địa phương biên giới tại các khu vực biên giới; Phối hợp đàm phán, ký kết thành công 2 Hiệp định hợp tác và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân.
Đối với biên giới Việt - Lào
Hai bên phối hợp trong việc tham mưu chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể cắm mốc, đảm bảo tiến độ. Hai bên đã cử cán bộ tham gia 24 cuộc họp Đoàn chuyên viên liên hợp cắm mốc; 16 cuộc họp Tổ chuyên viên pháp lý kỹ thuật Việt - Lào; tổ chức 51 đoàn khảo sát thực địa tại các cột mốc, các khu vưc mà đội cắm mốc của hai bên không xác định được vị trí.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tháng 3 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết hoàn thành Dự án tăng dầy và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào, là sự kiện lịch sử đánh dấu một đường biên giới mới khang trang, hiện đại trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào gồm 1.002 mốc giới (trong đó có 834 cột mốc và 168 cọc dấu biên giới); ký “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào” và “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào”.
Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện “Thỏa thuận giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào”; tổ chức tập huấn và họp lần thứ hai về việc thỏa thuận giải quyết di cư với Lào.
Đối với biên giới Việt Nam - Campuchia
Hai bên phối hợp tham gia đầy đủ các cuộc đàm phán và làm việc các cấp, tích cực phối hợp nghiên cứu các tài liệu pháp lý và điều tra thực địa để xây dựng để giải quyết vướng mắc và đề xuất các phương án đàm phán, trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Các bên cũng đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; chỉ đạo và điều động đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tham gia trực tiếp công tác phân giới cắm mốc, góp phần vào thành tích chung trong công tác phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia.
Với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, cùng với sự chủ động, tích cực trong việc phối hợp triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Biên giới và các địa phương liên quan đã giữ tương đối ổn định tình hình an ninh, trật tự trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả
Ngoài ra, hai bên đã phối hợp tốt các biện pháp công tác để tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ hệ thống đường biên, cột mốc biên giới, tiến hành tuần tra song phương với lực lượng quản lý bảo vệ biên giới đối diện. Hai bên cũng tham mưu và tham gia cùng Sở Ngoại vụ, chính quyền các huyện biên giới phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của các nước bạn xử lý kịp thời các vụ việc xẩy ra trên biên giới theo đúng chủ trương và các hiệp định về quy chế quản lý biên giới giữ vững chủ quyền lãnh thổ và trật tự xã hội ở khu vực biên giới.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Sơn) |
Đối với công tác phối hợp biên giới trên biển, hai bên cũng thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ việc diễn biến trên biển như: tàu cá ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản; tàu nước ngoài vi phạm vùng biển của ta… làm cơ sở để đấu tranh ngoại giao, tham mưu chính sách góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Hai bên cũng thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới và lực lượng đóng quân trên địa bàn nâng cao việc nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phân giới cắm mốc. Đến nay, cơ bản nhân dân tại khu vực biên giới nắm được các quy định của Hiệp định về quy chế biên giới và phát huy được sức mạnh tổng hợp sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Phong trào “quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ vững an ninh, trật tự xóm bản khu vực biên giới” được triển khai có hiệu quả.
Tiếp tục phối hợp hiệu quả trong tương lai
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, lãnh đạo hai cơ quan nhận định, việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết kịp thời và có hiệu quả các vụ việc nảy sinh trên biên giới, đặc biệt là các sự việc đột xuất có tính nghiêm trọng.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung đề nghị, qua 5 năm triển khai, công tác phối hợp giữa hai cơ quan được thực hiện tốt. Trong thời gian tới, công tác biên giới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp do những vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, với chủ trương của lãnh đạo cấp cao giữa Việt Nam và các nước bạn bè, anh em láng giềng cũng như của các địa phương đều “mong muốn khu vực biên giới trở thành đường biên giới giao lưu, phát triển, đặc biệt, là thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại song phương”, Thứ trưởng nói.
Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Sơn) |
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, việc phối hợp trong công tác thông tin giữa hai cơ quan là vô cùng quan trọng. Thời gian tới, các đơn vị của Ủy ban Biên giới quốc gia nói riêng, Bộ Ngoại giao nói chung sẽ cung cấp thông tin và phối hợp tốt hơn với các đơn vị chức năng của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Cảm ơn sự hỗ trợ, hợp tác của các đơn vị chức năng của Bộ Tư lệnh, các đơn vị đóng tại địa phương có đường biên giới đối với Ủy ban Biên giới quốc gia, Thứ trưởng Lê Hoài Trung bày tỏ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và phối hợp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, nhằm đóng góp vào công việc chung mà Đảng và Nhà nước quan tâm giao phó cho hai cơ quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, mối quan hệ công tác giữa hai cơ quan là mối quan hệ thực chất, chia sẻ và rất hiệu quả. “Đây là lĩnh vực vất vả, đổ mồ hôi, thậm chí xương máu của chiến sỹ”, Trung tướng nói. Vì vậy, sự hợp tác, sự quan tâm, giúp đỡ của các đơn vị trong Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao là nguồn cổ vũ động viên rất lớn với các anh em đang thực thi nhiệm vụ trên biên giới.
Thông qua Hội nghị lần nay, lãnh đạo, các đơn vị chức năng của hai cơ quan sẽ rút ra được những mặt làm được, những mặt chưa làm được, từ đó thống nhất những phương hướng chỉ đạo, phối hợp công tác trong thời gian tới. Thông qua đó sẽ ký Quy chế phối hợp cho giai đoạn hợp tác mới.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị các đơn vị chức năng của hai cơ quan tiếp tục cung cấp thông tin, những kinh nghiệm về đàm phán, các vấn đề xử lý trên biên giới để cán bộ hai bên vận dụng trong thực tiễn… Hàng năm, hai bên có thể tổ chức sơ kết gọn nhẹ như: làm theo tuyến, chuyên đề tại các địa phương nhân dịp kiểm tra biên giới, phối hợp trong tuyên truyền, nghiên cứu khoa học,… từ đó thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về biên giới ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cũng mong muốn, giao cơ quan thường trực hai bên chỉ đạo Sở Ngoại vụ, lực lượng Biên phòng địa phương tham mưu cho cấp ủy địa phương để các chủ trương, chính sách về công tác biên giới được đưa vào thực tế và thực địa của các địa phương có đường biên giới với nước bạn.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung và Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến đã ký “Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Biên giới Quốc gia trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia” thay thế cho Quy chế ký năm 2010.