Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh: Đây là hội nghị quan trọng với nhiều nội dung lớn đối với công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả hiện nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì hội nghị. |
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được, những cơ quan, đơn vị nào chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, thuận lợi và khó khăn, đề xuất giải pháp thời gian tới.
Báo cáo của Bộ Công an - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138 của Chính phủ cho biết: Kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm đã xác lập hơn 2.000 chuyên án, khám phá và kết thúc 900 chuyên án; quần chúng nhân dân cung cấp trên 58.000 tin có giá trị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm. Khám phá hơn 2.500 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá trên 1.000 băng nhóm tội phạm.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại hơn 2.600 đối tượng truy nã; phát hiện gần 9.000 vụ phạm tội về kinh tế, hơn 200 vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ; trên 1.100 vụ buôn lậu; phát hiện hơn 12.800 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt hành chính gần 9.000 vụ; phát hiện và bắt giữ gần 12.000 vụ, hơn 18.000 đối tượng phạm tội về ma tuý.
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm tra điều tra trên 51.000 vụ với hơn 74.000 bị cáo. Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm gần 32.000 vụ với trên 55.000 bị cáo, đã giải quyết, xét xử gần 26.000 vụ với hơn 43.000 bị cáo.
Đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, BCĐ 389 quốc gia cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm 88.229 vụ, số thu nộp ngân sách Nhà nước trên 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ và 889 đối tượng.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, BCĐ 389 quốc gia cho biết sẽ tiến hành xây dựng các kế hoạch chuyên đề để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; triển khai các kế hoạch của BCĐ 389 quốc gia về tăng cường đấu tranh đối với mặt hàng xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn để nhận diện các hiện tượng nổi cộm, các mặt hàng mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Tuyên truyền đến nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, tích cực tham gia tố giác tội phạm. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thay thế, điều chuyển người đứng đầu cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 7.879 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 9,19%); trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 389 tỷ 583 triệu đồng (tăng 33,21%). Số vụ cơ quan Hải quan khởi tố án hình sự là 30 vụ (tăng 42,86%). Số vụ chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố là 51 vụ (tăng 34,21%). Số thu ngân sách Nhà nước đạt 115 tỷ 583 triệu đồng.
Riêng tuyến đường biển, toàn ngành phát hiện, bắt giữ 4.483 vụ (tăng 22,49% so với cùng kỳ năm 2017), trị giá hàng hoá vi phạm ước tính 294 tỷ 293 triệu đồng (tăng 82,49% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, mặt hàng trọng điểm gồm: Xăng dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, lá khát, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đã qua sử dụng, đường, thuốc lá, sữa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Đối tượng trọng điểm là doanh nghiệp nhập khẩu các lô hàng giá trị lớn, mặt hàng có thuế suất cao; doanh nghiệp vừa là đại lý cho các hãng tàu, vừa kinh doanh vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kho ngoại quan; doanh nghiệp nhiều lần vi phạm pháp luật Hải quan; các công ty mới thành lập, hoạt động không thường xuyên.
Về một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh: Thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự tại Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 đối với tội “buôn lậu” (Điều 188), tội “vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới” (Điều 188) và tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190).
Tuy nhiên, trong khi thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Hải quan, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lý của ngành Hải quan như: Vận chuyển trái phép vũ khí, ma tuý qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả… Trên thực tế, khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng, kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.
Mặt khác, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” còn thấp, dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý.